Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh thảo luận về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng

26/10/2020 - 22:30
464
Cỡ chữ:

Ngày làm việc thứ 6, kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV, Quốc hội thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tàn án nhân dân tối cao, Viện Trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng. Tại điểm cầu Hội trường Diên Hồng, Ba Đình, Hà Nội, đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên ban chấp hành trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, chủ trì phiên họp. Tại điểm cầu Tuyên Quang, đồng chí Chẩu Văn Lâm, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh chủ trì buổi họp. Đại biểu dự khán tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có lãnh đạo Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh và Tòa án nhân dân tỉnh. Tại điểm cầu Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, đại biểu Quốc hội Ma Thị Thúy và Hứa Thị Hà phát biểu ý kiến về các vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm.

Đại biểu Hứa Thị Hà phát biểu trước Quốc hội. Ảnh: Thanh Phúc

Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy cơ bản đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và các ngành đã trình bày trước Quốc hội, đại biểu thống nhất và đánh giá cao với báo cáo thẩm tra của Ủy ban tư pháp của Quốc hội. Trong đó đã đánh giá các biện pháp phòng ngừa xã hội đượ triển khai đồng bộ đã tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm, một số loại tội phạm giảm so với năm 2019. Đại biểu nêu trong báo cáo Chính phủ đã đưa ra quan điểm  Đặc biệt coi trọng và chỉ đạo thực hiện tốt các mặt công tác phòng ngừa tội phạm với mục tiêu làm giảm tội phạm. Một trong những nhiệm vụ phòng ngừa xã hội đó là công tác xây dựng Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc thật sự hiệu quả. Tại  báo cáo số 483 của Chính phủ trình Quốc hội đã đưa ra những kết quả cụ thể, những mô hình hiệu quả như  tại Đắk Lắk “Kết nối mạng xã hội - Bình yên cho mỗi gia đình”; Đồng Nai  “Câu lạc bộ nữ dân phòng vùng đồng bào dân tộc”, “Phụ nữ tham gia phòng, chống ma túy”;  Thái Nguyên  “Tổ dân phòng điểm về an ninh, trật tự”, “Vận động đồng bào tín đồ tôn giáo”.  Đại biểu dẫn chứng, tại tỉnh Tuyên Quang hiện nay đang có 165 mô hình tự quản về an ninh trật tự, các mô hình, tổ tự quản an ninh trật tự đang phát huy tích cực, hiệu quả, đóng vai trò quan trọng trong đảm bảo an ninh trật tự ngay từ cơ sở. Các mô hình như “không khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép”, mô hình “thôn, tổ dân phố bình yên đoàn kết, không vi phạm pháp luật, tự hoà giải ở cơ sở; mô hình về “đẩy lùi tình trạng xuất cảnh trái phép”vv…những mô hình trên đã tham gia phòng ngừa đấu tranh với các loại tội phạm và đã  góp phần đảm bảo an ninh trật tự tại địa bàn, các hoạt động  thực hiện việc hòa giải ngay tại cơ sở, quản lý, giáo dục cảm hóa người vi phạm, đối tượng chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng. Đại biểu nêu báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn chỉ ra Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất, phòng ngừa xã hội ở một số địa phương còn hình thức, phòng ngừa nghiệp vụ hiệu quả chưa cao. Từ thực tiễn, đại biểu cũng đồng tình với đánh giá này. Bên cạnh những những mô hình hay, những ngày hội bảo vệ an ninh tổ quốc đạt hiệu quả, cách làm sáng tạo  thì nhiều nơi chưa được quan tâm đúng mức, nội dung, hình thức các hoạt động còn đơn điệu, thiếu sáng tạo nên hiệu quả chưa cao, chưa thu hút được đông đảo nhân dân trực tiếp tham gia. Thậm chí một số mô hình khi có sự hỗ trợ kinh phí thì thực hiện, sau đó thì không hoạt động, coi như việc xây dựng mô hình là của riêng lực lực công an. Vì vậy để nâng cao hiệu quả hoạt động, thực hiện đúng chủ trương của Chính phủ đề ra, đại biểu Thúy đề nghị: Thứ nhất, cấp ủy Đảng các cấp phải thực sự thấy được trách nhiệm của mình trong công tác này, phải luôn lãnh, chỉ đạo sát sao theo đúng tinh thần của Chỉ thị số 09 ngày 1-12-2011 của Ban Bí thư Tung ương Đảng “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Phong trào toàn dân bảo vệ An ninh Tổ quốc trong tình hình mới”. Lực lượng Công an nhân dân phải làm tốt công tác nắm tình hình của địa bàn về mọi mặt, từ đó để tham mưu thực sự hiệu quả cho chính quyền các cấp điều hành quyết liệt, chỉ đạo việc phối hợp của các cơ quan, đoàn thể của địa phương đạt hiệu quả, phân rõ trách nhiệm cho từng chủ thể thực hiện. Qua thực tiễn cho thấy ở đâu cấp ủy và người đứng đầu quan tâm, chính quyền điều hành khoa học thì ở đó cả hệ thống chính trị và người dân hưởng ứng tích cực  phong trào vì an ninh Tổ quốc thành công, chính trị sẽ ổn định, kinh tế - xã hội sẽ phát triển như mong muốn. Thứ hai, việc xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc phải được khơi dậy từ tính tự giác, tự phát và tự nguyện từ mỗi người dân tham gia vào Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc. Muốn để cho dân hiểu, dân tin, dân làm theo, dân làm nòng cốt, thì phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để họ hiểu tham gia vào hoạt động chính là làm cho bản thân, gia đình mình và cống hiến vì xã hội. Riêng với vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương thì đòi hỏi các chiến sĩ công an phải thực sự hiểu dân, gần dân, sát dân và phải là tấm gương mẫu mực trong cuộc sống, từ đó người dân tin yêu, quý trọng và tự nguyện làm theo những nội dung được hướng dẫn.Việc triển khai ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc và các mô hình hoạt động phải nội dung phong phú, hình thức cần đa dạng, sát với nhu cầu thực tế phát sinh, hợp với ý Đảng, lòng dân, tránh phô trương hình thức, hướng về cơ sở, huy động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Thứ ba, cần nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến những kinh nghiệm hay, những việc làm sáng tạo. Nội dung của phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phải được gắn kết, lồng ghép một cách linh hoạt, sáng tạo với các nội dung phong trào, cuộc vận động khác ở địa phương, cơ sở có nét tương đồng liên quan, nhằm tạo hiệu ứng cộng hưởng, lan tỏa. Mặt khác cần tích cực chăm lo kiện toàn hệ thống chính trị ở cơ sở. Phát huy vai trò nòng cốt của lực lượng công an xã Chính quy, bảo vệ dân phố, dân phòng, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp đủ mạnh; đồng thời phát huy vai trò của bí thư chi bộ, trưởng các đoàn thể, trưởng thôn, trưởng xóm, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, dòng họ để làm điểm tựa nòng cốt cho phong trào thật sự nhân ra diện rộng, đi vào chiều sâu, hiệu quả thiết thực, góp phần thúc đẩy các hoạt động kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Về “Công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật”, đại biểu Hứa Thị Hà tham gia nội dung về tình hình bảo mật thông tin cá nhân. Đại biểu Hà nhấn mạnh, cách mạng công nghiệp thứ 4, sẽ tạo ra nhiều lợi ích to lớn và tác động mạnh mẽ tới kinh tế thế giới cũng như tới kinh tế Việt Nam, đồng thời sẽ tác động sâu sắc tới hệ thống chính trị, xã hội. Chính phủ đã và đang quyết liệt chỉ đạo đẩy mạnh xây dựng Chính phủ điện tử, hướng tới chính phủ số, nền kinh tế số. Hòa vào trong sự phát triển đó, một nguyên tắc phải chấp nhận đó là: việc ứng dụng công nghệ càng nhiều thì việc sử dụng và cung cấp thông tin cá nhân lại càng lớn. Với số lượng người sử dụng Internet hơn 68 triệu người, chiếm khoảng 70% dân số nhưng sự hiểu biết về bảo mật thông tin cá nhân còn hạn chế. Cùng với chế tài hiện hành xử lý hành vi đánh cắp, kinh doanh dữ liệu cá nhân cũng chưa đủ sức răn đe nên đã xuất hiện các hành vi thu thập, sử dụng, mua bán thông tin cá nhân, điều này ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống nhiều người và dẫn tới nhiều nguy cơ tiềm ẩn. Đại biểu lấy ví dụ, vụ việc vợ nạn nhân vụ Rào Trăng 3 bị lừa mất 100 triệu đồng trong tài khoản, hay vụ việc 3 nhân viên Ngân hàng BIDV tại Phú Thọ bán thông tin của 50 công ty, doanh nghiệp cho nhóm lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc sự cố rò rỉ 2 triệu dữ liệu khách hàng của một ngân hàng mà báo chí đã đưa tin và còn rất nhiều vụ việc khác đã xảy ra. Đây là vấn đề đáng lo ngại và được cử tri quan tâm, như cử tri Thành phố Hà Nội và tỉnh Lâm Đồng đã có kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng có giải pháp bảo mật thông tin cá nhân của người dùng. Vậy, điều này đặt ra vấn đề quản lý sao cho hiệu quả, đảm bảo phòng ngừa, xử lý được các hành vi vi phạm đồng thời phù hợp với Hiến pháp, các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật quốc tế… Để phân tích sâu hơn, đại biểu Hà đề cập đến quan điểm, định nghĩa thông tin cá nhân. Tại khoản 15 Điều 3, Luật An toàn thông tin mạng quy định “Thông tin cá nhân là thông tin gắn với việc xác định danh tính của một người cụ thể”, trước đó Khoản 5 điều 3 Nghị định 64/2007/NĐ-CP ngày 10/04/2007 về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan chính phủ quy định: “Thông tin cá nhân là thông tin đủ để xác định chính xác danh tính một cá nhân, bao gồm ít nhất nội dung trong những thông tin sau đây: họ tên, ngày sinh, nghề nghiệp, chức danh, địa chỉ liên hệ, địa chỉ thư điện tử, số điện thoại, số chứng minh nhân dân, số hộ chiếu. Những thông tin thuộc bí mật cá nhân gồm có hồ sơ y tế, hồ sơ nộp thuế, số thẻ bảo hiểm xã hội, số thẻ tín dụng và những bí mật cá nhân khác”. Đại biểu cho rằng, cách quy định như hiện nay chưa đầy đủ, chưa xác định được nội hàm khái niệm, đại biểu nêu ví dụ những thông tin cá nhân khác như thông tin về đời sống riêng tư, xu hướng cá nhân,... chưa được quy định và hướng dẫn cụ thể do đó gây khó khăn cho việc tiếp cận các nôi dung này.

Bên cạnh đó, đại biểu nêu quy định bảo mật thông tin cá nhân còn đang rải rác ở các dự án luật khác nhau như Khoản 1 Điều 38, Bộ luật Dân sự quy định “ Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ”, khoản 1 điều 16 Luật an toàn thông tin mạng quy định “Cá nhân tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình và tuân thủ quy định của pháp luật về cung cấp thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ trên mạng”, khoản 1 điều 17 Luật An ninh mạng quy định những hành vi xâm hại, bí mật công tác, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư trên không gian mạng … Ngoài ra, một số luật chuyên ngành như Khoản 1 điều 8 Luật Khám bệnh chữa bệnh quy định “Được giữ bí mật thông tin về tình trạng sức khỏe và đời tư được ghi trong hồ sơ bệnh án” các văn bản thiếu tập trung và có giá trị pháp lý khác nhau, gây khó khăn cho việc chấp hành và thi hành. Ngoài ra các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới xâm hại thông tin cá nhân có những tội danh chưa được quy định cụ thể. Đại biểu nêu ví dụ, các nhà cung cấp dịch vụ thu thập dữ liệu cá nhân của khách hàng nhưng không gắn với việc xác định danh tính cụ thể, sau đó cho phép đối tác thứ ba tiếp cận thông tin, việc này không thuộc vào phạm vi cấm của luật, nhưng rõ ràng có liên quan đến thông tin của một tập thể cá nhân, đây là khoảng trống pháp lý trong việc bảo vệ dữ liệu cá nhân.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu nhận thấy thông tin cá nhân cần phải được quy định cụ thể hơn, đây không chỉ là thông tin cá nhân mà phải được coi đây là tài sản và phải được bảo vệ. Ngoài ra, đại biểu nêu cách tiếp cận bảo vệ thông tin cá nhân trên quan điểm bảo vệ quyền riêng tư nhưng đặt trong mối quan hệ đa chiều, đa lợi ích. Cần có các tiêu chí để phân loại dữ liệu cá nhân cho phép các cơ quan, tổ chức được khai thác và sử dụng công khai, hoặc được sử dụng nhưng không được công khai. Do vậy để làm tốt việc bảo mật thông tin cá nhân, đại biểu Hứa Thị Hà đề nghị: Một là, hoàn thiện khung pháp lý quy định cụ thể về bảo mật thông tin cá nhân. Cần có quy định thống nhất về thông tin cá nhân và xác định các tiêu chí về thông tin cá nhân đồng thời khắc phục tình trạng rải rác của nhiều văn bản hiện nay. Hai là, khi thu thập thông tin cá nhân các đơn vị chủ thể phải công khai mục đích và các loại thông tin được thu thập trong đó quy định rõ những thông tin chủ thể nhà nước được quản lý, sử dụng và khai thác. Những thông tin mà chủ thể khác có thể sử dụng và khai thác. Ba là, đại biểu nhấn mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về bảo mật thông tin cá nhân, đai biểu cũng đề nghị đưa nội dung này vào giảng dạy trong chương trình phổ thông, nhằm nâng cao ý thức hơn nữa đến việc bảo mật thông tin cá nhân của bản thân cũng như gia đình. Bốn là, đại biểu đề nghị tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định pháp luật có liên quan như Chỉ thị 14 ngày 25/5/2018 của Thủ tướng Chính phủ về nâng cao năng lực phòng chống phần mềm độc hại. Chỉ thị 04 ngày 11/1/2019 của Bộ trưởng bộ thông tin và truyền thông về tăng cường phòng chống mã độc và bảo vệ thông tin cá nhân trên không gian mạng. Quyết định 749/QĐ-TTg, ngày 3/6/2020 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

Buổi chiều, Quốc hội tiếp tục thảo luận về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2020./.

Lý Thanh Loan

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Chịu trách nhiệm chính: Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh - Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, tỉnh Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang