
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu Tuyên Quang.
Dự hội nghị có lãnh đạo Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương; đại biểu các tổ chức quốc tế tại Việt Nam và các đại biểu đại diện cho các tập thể, cá nhân có thành tích trong 10 năm thực hiện Nghị quyết Tam nông.
Tại điểm cầu Tuyên Quang, dự hội nghị có các đồng chí: Chẩu Văn Lâm, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang; Phạm Minh Huấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành tỉnh; đại diện một số xã, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ nông dân tiêu biểu của tỉnh.
Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Bình - Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương nhấn mạnh: Đây là sự kiện quan trọng nhằm đánh giá quá trình tổ chức thực hiện, những thành tựu đạt được, hạn chế, yếu kém, nguyên nhân và bài học kinh nghiệm sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 26-NQ/TW. Trên cơ sở đó đề ra những quan điểm, chủ trương, định hướng, nhiệm vụ, giải pháp lớn về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước trong giai đoạn tới.
Theo báo cáo kết quả 10 năm thực hiện quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn, nền nông nghiệp cả nước có nhiều tiến bộ cả về quy mô và trình độ sản xuất; tái cơ cấu ngành đúng hướng, đạt nhiều kết quả quan trọng, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực quốc gia, xuất khẩu tăng. Giai đoạn 2008-2017, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân của toàn ngành nông, lâm, thủy sản đạt 2,66 %/năm. Tốc độ tăng giá trị sản xuất ngành đạt 3,9%. Năng suất lao động trong nông nghiệp tăng nhanh, năm 2017 đạt 6,48%. Công nghiệp và dịch vụ ở nông thôn phát triển nhanh, cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn đã chuyển biến tích cực. Phong trào xây dựng NTM đã trở thành phong trào sâu rộng, kết cấu hạ tầng được nâng cấp. Điều kiện sinh sống của người dân nông thôn được cải thiện. Số hộ nghèo giảm nhanh. Trình độ khoa học công nghệ trong nền nông nghiệp đã được nâng cao. Nhiều cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực lớn cho phát triển nông nghiệp, nông thôn được đổi mới, thúc đẩy sản xuất phát triển...
Thực hiện Nghị quyết tại tỉnh ta, giai đoạn 2008 - 2017, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng bình quân 4,4%/năm, sản lượng lương thực hàng năm trên 32 vạn tấn. Các vùng sản xuất hàng hóa theo quy mô lớn đã được hình thành và có sự chuyển biến tích cực theo hướng sản xuất an toàn, nâng cao chất lượng sản phẩm gắn với nhu cầu thị trường như vùng trồng cam, bưởi, mía. Toàn tỉnh có 244 trang trại chăn nuôi; 386 hộ chăn nuôi lợn quy mô từ 300-1.000 con. Diện tích rừng trồng gỗ nguyên liệu duy trì trên 110.400 ha, trong đó có trên 17.000 ha rừng được cấp chứng chỉ theo tiêu chuẩn FSC. Đã có 23 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng số tiêu chí bình quân lên 12 tiêu chí/xã...
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Nghị quyết Trung ương 7 đã thực sự đi vào cuộc sống, đưa nền nông nghiệp cả nước chuyển mình tạo ra của cải vật chất, tinh thần cho người dân nông thôn. Đặc biệt, chương trình xây dựng NTM trở thành phong trào lớn mạnh, đưa bộ mặt nông thôn khởi sắc trên nhiều lĩnh vực... Xây dựng thể chế, cơ chế chính sách; làm tốt công tác quy hoạch; huy động các nguồn lực đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới; xây dựng bộ máy tinh gọn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ; nâng cao năng lực, vai trò làm chủ của người dân nông thôn, phát huy mạnh mẽ vai trò chủ thể của nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn…
Về nông nghiệp, cần huy động cả hệ thống chính trị tham gia đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu, phát triển theo hướng hiện đại, phát huy lợi thế so sánh, nâng cao chất lượng, giá trị gia tăng và bền vững.
Về nông thôn, đẩy mạnh phát triển công nghiệp, dịch vụ, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động trong nông thôn; xây dựng nông thôn mới toàn diện, bền vững gắn với đô thị hóa; nâng cấp và hiện đại hóa kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn.
Về nông dân, đẩy mạnh xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; phát triển y tế, giáo dục, văn hóa, bảo đảm an ninh trật tự, phát huy dân chủ ở nông thôn…
Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương rút ra những bài học kinh nghiệm để khắc phục tồn tại để nông nghiệp nông dân và nông thôn tiếp tục phát triển lên tầm cao mới. Trước hết là khơi dậy tinh thần yêu nước của người nông dân để từ đó đổi mới tư duy năng động sáng tạo tự lực, tự cường trong sản xuất nông nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương khắc phục nền kinh tế nhỏ lẻ, manh mún, tạo điều kiệt tốt nhất cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; Tiếp tục ứng dựng KH&CN vào sản xuất để tạo ra sản phẩm hàng hóa, có giá trị kinh tế; xây dựng dựng cơ chế chính sách để thúc đẩy phong trào xây dựng NTM gắn với xây dựng độ thị để phát triển lâu dài và bền vững.
PV