Tạo dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm là yêu cầu tất yếu để nông sản gia nhập thị trường, tuy nhiên, vấn đề hiện nay là nguồn nguyên liệu, công nghệ sản xuất, chế biến tại những cơ sở này chưa được đầu tư đồng bộ, dẫn đến sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
Vùng chè Shan tuyết của HTX Sơn Trà, xã Hồng Thái (Na Hang). Ảnh: Hải Hương.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, diện tích chè Shan tuyết trên địa bàn tỉnh hiện đạt trên 1.600 ha, chủ yếu nằm trên địa bàn 2 huyện Na Hang, Lâm Bình. Trong đó, riêng Na Hang có khoảng 1.400 ha, tập trung tại một số xã như Sơn Phú, Sinh Long, Hồng Thái, Thượng Nông… Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Na Hang, hiện mới chỉ có khoảng 45 ha chè ở Sinh Long được bà con đầu tư thâm canh, đạt năng suất 30 tấn chè búp tươi mỗi năm, còn lại ít được chú trọng, năng suất thấp, hiệu quả kinh tế chưa cao.
Hợp tác xã Sơn Trà, xã Hồng Thái hiện là đơn vị có thị phần chè tốt nhất ở Na Hang. Dây chuyền sản xuất của đơn vị này có công suất trên 1,2 tấn chè búp tươi/ngày, nhưng theo ông Đặng Ngọc Phố, Giám đốc Hợp tác xã, từ khi thành lập, chưa bao giờ nguồn nguyên liệu đáp ứng đủ công suất này. Ngày nhiều nhất, hợp tác xã cũng chỉ thu mua được khoảng 600 kg chè búp tươi để phục vụ sản xuất. Có thời điểm, để có đủ nguyên liệu, hợp tác xã phải liên kết với nhiều hộ trồng chè ở Sinh Long, Sơn Phú để thu mua chè búp tươi. Trong khi đó, tại các xã này, hiện cũng đã hình thành 2 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè Shan tuyết là Hợp tác xã Kim Long và Hợp tác xã Sơn Trang. Tuy nhiên, do khó khăn về đầu ra, Hợp tác xã Sơn Trà hiện đang thực hiện liên kết với 2 hợp tác xã này để bao tiêu sản phẩm. Ông Phố mong muốn, về lâu dài, nên hợp nhất lại thành một cơ sở, lấy tên thương hiệu chung để có thể giám sát chặt chẽ quy trình thu hái, sản xuất cũng như chịu trách nhiệm về đầu ra.
Không chỉ tại Sinh Long, Hồng Thái, Sơn Phú, tại xã Thượng Nông, từ năm 2019 Hợp tác xã nông lâm nghiệp Thượng Nông cũng đã bắt tay vào lĩnh vực này. Vùng nguyên liệu của đơn vị này là khoảng 80 ha, tập trung nhiều tại thôn Pác Củng và Đông Đa 2. Anh Hoàng Văn Sơn, Giám đốc Hợp tác xã cho biết, diện tích chè lớn, nhưng do bà con chưa quan tâm chăm sóc nên sản lượng mỗi năm không nhiều. Những tháng cao điểm, mỗi ngày 2 máy sao chè của hợp tác xã chỉ sản xuất được 7-8 kg chè khô. Giám đốc Hợp tác xã Hoàng Văn Sơn cho biết, hiện tại đơn vị đang chuẩn bị các điều kiện để đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, nhưng lại lo sau khi có nhãn hiệu, thì việc sản xuất có được duy trì liên tục không, sản lượng có đủ đáp ứng nhu cầu của thị trường không? Việc tìm kiếm thị trường cũng là một vấn đề, khi hiện nay, sản phẩm hầu như chỉ đóng thô và bán lẻ, với giá bán khoảng 200 nghìn đồng/kg.
Người dân thôn Bản Pước, xã Thổ Bình (Lâm Bình) thu hái chè Shan tuyết.
Vùng chè Shan Khau Mút Thổ Bình (Lâm Bình) có trên 240 ha. Trên địa bàn xã này hiện cũng đã hình thành 2 hợp tác xã sản xuất, chế biến chè Shan là Hợp tác xã Đồng Tiến và Hợp tác xã Phúc Hưng, với 2 thương hiệu là Chè Shan Khau Mút và Trà Khau Mút. Anh Trương Phúc Hưng, Giám đốc Hợp tác xã Phúc Hưng chia sẻ, năm 2019, Hợp tác xã Phúc Hưng thành lập, mục tiêu ban đầu là giải quyết vấn đề nguyên liệu cho bà con, tìm kiếm thị trường đẩy tên tuổi này lên cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại trên thị trường. Tuy nhiên, do đường giao thông đi lại khó khăn, cách làm của các hợp tác xã này là sản phẩm thu hái đến đâu sẽ sao khô ngay tại chân núi đến đấy chứ không vận chuyển. Cách làm này giải quyết được vấn đề chất lượng sản phẩm, nhưng về mặt thẩm mỹ lại không trọn vẹn vì các máy sao thủ công, bằng than củi, dẫn đến ám khói, tạo hình không đẹp.
Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng Phòng Trồng trọt, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh cho rằng, dư địa cho sản xuất chè Shan tuyết trên địa bàn tỉnh là rất lớn, với một vùng nguyên liệu rộng và trải dài trên nhiều xã. Theo Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, những xã có vùng nguyên liệu chè đều đăng ký sản phẩm chè Shan tuyết làm sản phẩm đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, theo ông Thanh, do vùng nguyên liệu này vừa là diện tích phòng hộ, vừa tận dụng để bà con tăng thêm thu nhập, nên không được chú trọng chăm sóc, tăng năng suất, hầu hết vẫn ở dạng tận thu. Điều này vừa khiến các hợp tác xã thiếu nguyên liệu sản xuất, vừa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
Chè Shan tuyết là sản phẩm đặc trưng của khu vực vùng cao Tuyên Quang. Nếu việc sản xuất trở thành đại trà, chất lượng không đi đôi với thương hiệu, tên tuổi, thì nguy cơ đánh mất chỗ đứng trên thị trường là rất lớn. Về lâu dài, để các vùng nguyên liệu chè Shan tuyết trên địa bàn tỉnh phát huy được hiệu quả giảm nghèo bền vững, tăng thu nhập cho người dân, đồng thời, tạo dựng được uy tín trên thị trường, theo ngành nông nghiệp, các hợp tác xã phải thống nhất được với người trồng chè về cách thức chăm sóc, thâm canh, tăng năng suất để đảm bảo được nguồn nguyên liệu ổn định, chất lượng. Các địa phương có vùng chè Shan tuyết cũng đã có cơ chế đầu tư, hỗ trợ các cơ sở chế biến nâng cao năng lực sản xuất. Theo UBND huyện Na Hang, năm nay, từ nguồn vốn chương trình xây dựng nông thôn mới, huyện đã hỗ trợ HTX Kim Long 500 triệu đồng để đầu tư dây chuyền, máy móc chế biến. Phía huyện Lâm Bình cũng đã đầu tư xây dựng tuyến đường giao thông từ trung tâm xã Thổ Bình đến thôn Bản Pước, vừa để giảm bớt khó khăn trong khâu thu hái, vừa thu hút đầu tư.
Theo TQĐT