Chuyện hiến đất ở Minh Khương

17/04/2017 - 22:09
370
Cỡ chữ:

Xã Minh Khương (Hàm Yên) có 11 thôn hiện đều đã có quỹ đất để làm nhà văn hóa, trong đó 8 thôn đã đưa nhà văn hóa vào hoạt động. Đây là kết quả khó ai dám “mơ” đến ở một xã còn nhiều khó khăn này.

Tấm lòng thơm thảo từ những hộ chưa giàu

Dẫn chúng tôi tới khu đất rộng 1.350 m2, anh Triệu Văn Xanh, Trưởng thôn Ngòi Lộc, xã Minh Khương nhớ lại, năm ấy thôn tổ chức liên hoan Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc gặp trận mưa trái mùa. Nhìn mọi người đang ăn phải di tản để lại mâm cơm hòa lẫn nước trời, thật xót xa. Từ ấy, trách nhiệm với cộng đồng cứ nhen nhóm trong anh. 
 

 
Nhà văn hóa thôn Ngòi Khương rộng 1.100 m2 được xây dựng trên diện tích do 3 hộ dân hiến đất. 

Anh về bàn với vợ và các con nhượng lại 1 phần đất vườn liền kề để giúp bà con làm ngôi nhà hội họp. Được mọi người trong gia đình ủng hộ, anh Xanh liền cầm sổ “bìa đỏ” đến xã trình bày và xin điều chỉnh quỹ đất của gia đình. Cùng khu đất ấy, giáp với mảnh đất nhượng lại cho thôn, gia đình anh Xanh vừa nhượng bán 5m đất bám mặt đường với giá 15 triệu đồng/m thu về 75 triệu đồng. Với khu đất 27m mặt đường của gia đình anh Xanh nhượng lại cho thôn làm nhà văn hóa trị giá trên 400 triệu đồng. Quả là đất quê giờ đã là vàng nhưng anh Xanh không hối tiếc.

Về thôn Thăm Bom, đứng trên khu đồi cao ngắm nhìn ngôi nhà xây 4 gian khá bề thế, phía trước là sân bóng chuyền, xung quanh có hàng rào ngăn nắp càng hiểu hơn việc chung tay của người dân nơi đây xây dựng nông thôn mới. Anh Triệu Minh Hưng, Phó trưởng thôn phấn khởi bảo rằng, có được khu nhà văn hóa làm nơi sinh hoạt cộng đồng này là nhờ gia đình chị Đặng Thị Xuân đã hiến gần 500 m2 đất. Giờ mỗi khi hội họp, tổ chức tập huấn hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi bà con đến đông đủ lắm. Nhà văn hóa có khuôn viên và sân thể thao cho người dân tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao, nâng cao đời sống tinh thần.

Xúc động và thán phục hơn cả là tấm lòng của ông Đặng Văn Chuyền thuộc diện nghèo nhưng đã hiến tặng 2.000 m2 đất để thôn Ngòi Họp làm nhà văn hóa. Anh Đặng Văn Chương, Trưởng thôn Ngòi Họp cho biết, tấm lòng thơm thảo của ông Chuyền đã chạm đến trái tim của bà con lối xóm. Sau khi hiến tặng đất, nhà văn hóa cộng đồng xây dựng được 3 năm thì ông Chuyền mất. Ân tình trước tấm lòng thơm thảo của ông, không gia đình nào trong thôn vắng mặt ngày đưa tiễn ông về với tổ tiên. 

Thôn xa nhất xã Minh Khương là Ngòi Khương cũng đã có nhà văn hóa đẹp nhất xã hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2016. Theo anh Nguyễn Văn Việt, Trưởng thôn Ngòi Khương, khu đất xây nhà văn hóa có tổng diện tích 1.100 m2. Đây là diện tích đất của 3 hộ góp tặng cho thôn làm nhà văn hóa. Trong đó, gia đình anh Phạm Văn Ký góp 300 m2, gia đình anh Lý Văn Điệm góp 400 m2 và gia đình anh Phạm Công Thương góp 400 m2. Tất cả các hộ tự nguyện hiến đất mà không đòi hỏi bất kỳ điều kiện gì.

Nêu cao vai trò của người đứng đầu

Gặp gỡ, trao đổi với các hộ dân hiến đất làm nhà văn hóa thôn, chúng tôi cảm nhận được rằng mọi người có chung một ý nguyện: “Góp đất xây nhà văn hóa cũng là để cho con cho cháu và dân làng mình hưởng”. Từ suy nghĩ ấy nên mọi thôn, bản của xã Minh Khương hiện nay đều có quỹ đất làm nhà văn hóa.
 


 
Nhà văn hóa thôn Ngòi Họp được xây dựng trên diện tích đất
do gia đình ông Đặng Văn Chuyền là hộ nghèo hiến tặng.

Anh Triệu Văn Tiến, cán bộ phụ trách giao thông thủy lợi của xã cho biết, xã có 11 thôn, bản, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 70% dân số, phần lớn là dân tộc Dao. Đời sống kinh tế của người dân trong xã còn nhiều khó khăn, tỷ lệ hộ nghèo hết năm 2016 còn 42,3%. Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới về cơ sở vật chất văn hóa (tiêu chí 6), Minh Khương triển khai khá tốt phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Thông qua vận động nhân dân hiến đất, lồng ghép nguồn vốn Chương trình 135, Dự án TNSP đầu tư xây dựng nhà văn hóa có sự tham gia của người dân. Các diện tích đất hiến tặng làm nhà văn hóa đều là đất vườn liền kề với nhà ở của bà con.

Nói về cách thức vận động bà con hiến đất làm nhà văn hóa, anh Nguyễn Văn Tự, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã cho rằng, điều quan trọng là khơi dậy được ý thức, trách nhiệm và “điểm huyệt” đúng nhu cầu của người dân. Trước đây, khi chưa có nhà văn hóa, mỗi lần tổ chức hội họp quả là công việc vất vả của các trưởng thôn. Người dân sẵn lòng cho họp nhờ nhà dân nhưng diện tích nhà hẹp, số người dự họp từ 80 đến 120 người, bà con phải ngồi chen nhau, thật là ái ngại. Khi thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, Minh Khương có chủ trương vận động bà con hiến đất làm nhà văn hóa và giao cho MTTQ xã chủ trì. Trên cơ sở định hướng của xã, cán bộ Mặt trận cùng các thôn triển khai các nội dung cụ thể: Khảo sát, xác định vị trí, nhà văn hóa đảm bảo nằm ở trung tâm thôn, bản thuận cho đi lại và là nơi hộ dân có quỹ đất. Khi đã định vị được nơi làm nhà văn hóa, cán bộ Mặt trận, thôn bản cùng vào cuộc đến từng hộ vận động, khơi dậy ý thức cộng đồng trong nhân dân, vậy nên nhà nào có quỹ đất sẵn sàng ủng hộ.

Dễ trăm lần không dân cũng chịu

Không có người dân tham gia sẽ không có đất làm nhà văn hóa. Đó là khẳng định của anh Nguyễn Phi Khanh, Chủ tịch UBND xã Minh Khương. Bài học về công tác dân vận “Dễ trăm lần không dân cũng chịu/Khó vạn lần dân liệu cũng xong” được xã vận dụng sáng tạo từ nhiều năm trước.

Minh Khương là xã đặc biệt khó khăn nên được tỉnh triển khai Dự án IFAD từ đầu những năm 90 của thế kỷ trước. Trong quá trình thực thi dự án có hợp phần tham gia của người dân (PRA). Từ nguồn vốn hỗ trợ, thông qua mục tiêu của thôn, bà con tự bàn bạc, hiến kế tìm ra cách làm và cùng nhau tổ chức thực hiện. Theo cách làm đó, Minh Khương triển khai vào việc tìm đất xây nhà văn hóa. Theo cách làm cuốn chiếu, từ thành công ở thôn này sẽ lấy bài học kinh nghiệm để triển khai ở thôn kia và các thôn tiếp theo. Thế là tạo những hiệu ứng tích cực, trở thành phong trào thi đua giữa các thôn. Kết quả thật không ngờ, hiện cả 11 thôn trong xã đều có quỹ đất để làm nhà văn hóa, trong đó có 8 thôn đã đưa nhà văn hóa vào sử dụng. Điều đáng trân trọng là ở 6 thôn: Ngòi Khương, Thăm Bom, Ngòi Họp, Ngòi Lộc, Minh Hà và Thác Cái có gần chục hộ hiến đất làm nhà văn hóa với tổng diện tích 5.708 m2. Có hộ hiến đất nhiều lên tới 2.000 m2, hộ ít cũng hiến tặng tới 300 m2. Điều này không phải nơi nào cũng làm được.

Xây dựng nông thôn mới, tiêu chí xây dựng cơ sở vật chất văn hóa đáp ứng niềm khát khao của mọi người dân có nơi sinh hoạt, hội họp, trẻ em có chỗ để vui chơi… Tuy nhiên tìm được cách làm phù hợp, không mất tiền đền bù mà mọi thôn đều có đất xây nhà văn hóa theo tiêu chí thì ít nơi làm được như Minh Khương. 
Theo TQĐT

    bình luận

    Tìm kiếm
    QuocHuy.8ead5971.png

    CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

    Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
    Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
    Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
    Điện thoại: 0207.6251.929
    © Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

    Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

     

    Thống kê truy cập
    Số người online:
    1
    Số lượt truy cập tháng:
    1
    Số lượt truy cập năm:
    1
    Tổng số truy cập:
    1
    Chung nhan Tin Nhiem Mang