Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, kinh tế khó khăn ở Ninh Bình, mới học hết lớp 7, ông Hảo luôn ý thức về một công việc có thể lo được cho gia đình sau này. Năm 18 tuổi, ông đi làm công nhân và được bầu làm tổ trưởng ở độ tuổi rất trẻ. Nhưng với đam mê yêu thích nghề mộc, ông đã đi làm công nhân mộc cho Nhà thờ Giáo xứ tại địa phương để vừa học hỏi tích lũy kinh nghiệm. Ấp ủ ước mơ xây dựng xưởng gỗ mang thương hiệu cho riêng mình, lòng say nghề cùng đôi bàn tay khéo léo đã giúp ông có thêm quyết tâm từ “công nhân” thành “ông chủ”.

Ông Phạm Hảo đang hướng dẫn công nhân sản xuất.
Sau một thời gian tích góp được một khoản tiền, năm 1993 ông quyết định bán căn nhà nơi chôn rau cắt rốn để lên Tuyên Quang lập nghiệp. Ông chọn Tuyên Quang vì đây là tỉnh miền núi, có nhiều rừng nên phát triển nghề mộc sẽ thuận lợi hơn. Ban đầu ông định vay vốn ngân hàng để đầu tư nhưng gặp nhiều khó khăn về thủ tục nên đành dùng số vốn ít ỏi tích lũy được mua 30 m² đất tại thôn Viên Châu, xã An Tường, thị xã Tuyên Quang và dựng tạm ngôi nhà cấp 4 để ở. Được người hàng xóm tốt bụng cho mượn mảnh đất cạnh ngôi nhà cấp 4 nhỏ hẹp, ông bắt đầu mở xưởng gỗ với nhân lực lúc ấy chỉ có 2 vợ chồng làm. Tại thời điểm đó, ông gặp rất nhiều khó khăn, như quy trình khai thác gỗ không được thuận lợi, máy móc ông lại phải dày công vào tận Sài Gòn để mua về sản xuất, thị trường còn nhỏ, nhu cầu người dân không cao.... Khó khăn là vậy nhưng ông Hảo chia sẻ: “Những gì vất vả nhưng xứng đáng vì do chính tay mình tạo ra, đồng thời luôn có vợ ở bên cạnh động viên cũng như 4 người con như tiếp cho tôi thêm động lực cố gắng hơn”.
Thời gian đầu, các sản phẩm của ông tập trung vào các mặt hàng truyền thống như giường, ghế, tủ… với kiểu mẫu khá đơn giản. Đến khi có một lượng khách hàng nhất định, ông phát triển thêm một số sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ, làm theo yêu cầu và đơn đặt hàng của khách. Ông luôn mày mò, sáng tạo, không ngừng học hỏi để sản phẩm đồ mộc của xưởng ngoài độ bền, chắc, còn phải có tính thẩm mỹ cao. Tận tâm với nghề, với khách nên một thời gian sau xưởng gỗ của ông đã có tên tuổi và chỗ đứng trên thị trường trong tỉnh và phát triển ra các tỉnh như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang, Yên Bái, Thái Nguyên…. Dần dần ông đã thuê thêm công nhân và mở rộng quy mô sản xuất. Đến năm 1998, Trung tâm Khuyến nông thuộc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã phối hợp với ông Hảo mở lớp dạy nghề, mỗi lớp có 30 công nhân và đào tạo được 2 khóa cấp bằng chứng chỉ cho học viên.

Công nhân làm việc tại xưởng gỗ của ông Phạm Hảo.
Đến năm 2001, ông quyết tâm đầu tư mở thêm nhà xưởng với diện tích 1.300 m² quy tụ đội ngũ thợ mộc có tay nghề cao và nhiều máy móc hiện đại, không ngừng nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm mang tính thẩm mỹ cao. Số lượng công nhân làm việc có lúc đến trên 20 người với số sản phẩm bán ra hàng tháng trung bình trên 40-50 sản phẩm. Năm 2017, ông liên doanh với hợp tác xã mở cửa hàng bán hàng với diện tích 450 m² ở thôn Hưng Kiều 3, xã An Tường, T.P Tuyên Quang, địa điểm thuận tiện nên đông đảo khách hàng đến tìm hiểu, lựa chọn mua sắm sản phẩm. Hiện tại cửa hàng bày bán đầy đủ các đồ gỗ, nội thất như: Giường, tủ, bàn ghế, bàn thờ, kệ, bàn trang điểm... với đủ các loại gỗ và nhận làm theo yêu cầu đặt riêng của từng khách hàng.
Ông Hảo cũng là người đầu tiên nghĩ ra việc liên kết với ngân hàng áp dụng hình thức cho vay mua trả góp đối với hộ cửa hàng kinh doanh với lãi suất thấp nhất. Những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn khi mua sản phẩm tại cửa hàng còn được ông hỗ trợ không mất lãi suất. Các sản phẩm đều được niêm yết giá, bảo hành 2 năm cho đến 10 năm. Bên cạnh đó, ông cũng tập trung phát triển hình thức bán hàng online, giao hàng tận nhà trên cả nước.
Không chỉ làm giàu cho bản thân và gia đình, các hộ kinh doanh đến học hỏi kinh nghiệm sản xuất và kinh doanh đều được ông nhiệt tình chia sẻ, các hộ khi về áp dụng đều đạt được những thành công nhất định. Ông Hảo còn tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động tại địa phương, với mức lương thu nhập ổn định trung bình 10 triệu đồng/người/tháng.

Một số sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ trưng bày tại cửa hàng của ông Phạm Hảo.
Hai vợ chồng chị Hương và anh Khánh trú tại tổ 6, phường Ỷ La, TP. Tuyên Quang là một cặp vợ chồng trong số những công nhân làm tại xưởng cho biết: Hai anh chị đã làm việc tại đây đã được 10 năm. Trước khi làm tại xưởng gỗ của ông Hảo, anh chị phải xa quê hương vào Sài Gòn làm công nhân với đồng lương bấp bênh. Từ khi vào xưởng làm việc, anh chị không phải đi làm xa nữa, thu nhập của anh chị cũng đủ để trang trải cuộc sống gia đình gồm vợ chồng và 2 người con.
Với những tâm huyết và thành công đạt được, ông được Chủ tịch UBND tỉnh trao tặng Bằng khen về thành tích trong phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp đỡ nhau làm giàu cùng với nhiều bằng khen, giấy khen khác. Ông Hảo có dự định đầu tư mở rộng thêm quy mô sản xuất và nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng. Thành công của ông Hảo thực sự là một tấm gương về nghị lực, ý chí cố gắng theo đuổi đam mê để lớp trẻ học tập và noi theo.
Nhóm III, lớp Đại học Văn - Truyền thông KII
Trường Đại học Tân Trào
Trường Đại học Tân Trào