Chăm đúng cách
Tại các diện tích cam sành của huyện Hàm Yên đã phủ một màu xanh của chồi non và điểm những chùm hoa trắng. Cây cam đang thời kỳ ra hoa rộ. Theo ông Hoàng Đức Hùng, thôn 2 Thuốc Thượng, xã Tân Thành (Hàm Yên), đây là giai đoạn quan trọng quyết định đến năng suất của cả vụ cam, bởi vậy khâu chăm sóc cây trong thời kỳ này được người trồng cam đặc biệt quan tâm.
Gia đình ông Hùng có 1 ha cam được chăm sóc theo quy trình hữu cơ, ngay sau khi thu hoạch quả vụ trước, gia đình tiến hành tỉa cành và vệ sinh vườn, quét vôi quanh gốc để phòng trừ sâu bệnh xâm lấn; cỏ quanh gốc cam được để nguyên để giữ độ ẩm cho cây. Cây cam thời kỳ này cần nhiều dinh dưỡng, do vậy gia đình ông bón phân hữu cơ vi sinh, phân chuồng hoai mục để phục hồi chất dinh dưỡng cho cây ra chồi non trổ hoa.
Gia đình anh Mai Văn Phi, thôn Minh Thái, xã Minh Khương (Hàm Yên) hiện đang tập trung bón phân, phun thuốc hữu cơ vi sinh cho vườn cam. Anh Phi cho biết, gia đình anh có trên 20 ha cam sành, cam Vinh từ 5 - 8 tuổi, hiện đã chuyển đổi dần sang hướng hữu cơ cây cam đủ dinh dưỡng nên cây cam sành đang phục hồi tốt hạn chế việc chết. Tuy nhiên, chăm sóc theo hướng hữu cơ chi phí cao hơn cũng là gánh nặng đối với nông dân.
Ông Hoàng Văn Biệt, thôn Mường, xã Phù Lưu (Hàm Yên) kiểm tra rệp trên cây chanh của gia đình.
Mỗi cây cam hiện phải bổ sung từ 20 - 50 kg phân gà hoai mục. Bón phân xong tưới nước đều đặn, vừa phải cho phân tan để cây hấp thụ từ từ. Không nên tưới quá nhiều nước cho cây, vì nếu thừa nước cây sẽ ra đọt non ảnh hưởng đến việc xử lý ra hoa…
Cùng với việc chăm sóc cam, thời điểm này người dân huyện Hàm Yên đang tập trung chăm sóc hơn 914 ha chanh đang thời kỳ nuôi quả non. Ông Hoàng Văn Biệt, thôn Mường, xã Phù Lưu cho biết, nếu chăm sóc tốt mỗi cây chanh từ 5 năm tuổi trở lên có thể cho thu từ 80 - 100 kg quả mỗi năm, với giá bán bình quân 15.000 đồng/kg. Với 1.000 gốc chanh tứ thì của gia đình, mỗi năm trừ chi phí gia đình ông thu lãi trên 100 triệu đồng. Thời điểm này diện tích chanh của gia đình đã đậu quả và nuôi quả non, giai đoạn này cây cần nhiều chất dinh dưỡng như kali, đạm, khoáng chất...
Tranh thủ thời tiết mưa ẩm, gia đình bón phân để cây hấp thu chất dinh dưỡng nhanh hơn, cùng với đó trên cây chanh đã xuất hiện một số sâu bệnh hại như bọ xít nâu, rệp, thán thư, nhện đỏ… Những loại sâu bệnh này chích, hút làm rụng quả non.
“Bắt” đúng bệnh
Đối với cây ăn quả có múi thời điểm này là thời điểm quan trọng quyết định năng suất, chất lượng của cả vụ, do vậy ngành chức năng khuyến cáo người dân thường xuyên thăm vườn, kịp thời phát hiện những dấu hiệu của sâu bệnh hại, tùy thuộc vào mức độ để có các biện pháp diệt trừ.
Xã Xuân Vân (Yên Sơn) có tổng diện tích 1.000 ha bưởi các loại, trong đó vùng bưởi ngọt chiếm 2/3 diện tích. Diện tích bưởi cho sản phẩm năm 2023 là 673 ha, năng suất bình quân từ 220 - 250 tạ/ha. Năm 2018, bưởi đường Xuân Vân đã được Viện Sở hữu trí tuệ Quốc tế và Liên hiệp Khoa học doanh nhân Việt Nam cấp chứng thư bưởi Xuân Vân đứng top 10 Thương hiệu - Nhãn hiệu nổi tiếng Việt Nam. Giữ gìn thương hiệu này, người trồng bưởi Xuân Vân luôn tìm mọi cách chăm sóc để quả bưởi đẹp, sạch bệnh và an toàn cho người tiêu dùng.
Anh Phạm Văn Yên, thôn Đô Thượng 6 cho biết: Thời điểm này, cây bưởi cần chất dinh dưỡng để nuôi hoa, nuôi quả vì thế phải tưới 3 ngày một lần từ phân hữu cơ tự ủ bằng men và các loại động vật như cá, gà, đậu tương... để đảm bảo cây đủ độ ẩm, dinh dưỡng. Ngoài dinh dưỡng thì phải liên tục thăm vườn để “bắt” đúng các loại bệnh phát sinh kịp thời. Hiện vườn bưởi gia đình xuất hiện nấm, rệp sáp nên phải sử dụng chế phẩm sinh học xử lý ngay, tránh để lây qua cây khác.
Theo các nhà vườn và khảo sát của cơ quan chuyên môn, thời điểm này, trên các loại cây ăn quả có múi đã xuất hiện các loại sâu bệnh như bọ xít nâu, rệp sáp, thán thư, sương mai, phấn trắng, rệp đỏ... với mật độ thưa, tập trung tại các huyện Yên Sơn, Hàm Yên, Chiêm Hóa. Những bệnh phổ biến này ảnh hưởng trực tiếp làm rụng hoa, rụng quả non. Bệnh lây lan, phát triển mạnh khi trời mưa nhiều, độ ẩm không khí cao.
Hiện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh đã chỉ đạo Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp các huyện, thành phố thường xuyên hướng dẫn bà con chủ động thực hiện các giải pháp phòng trừ sâu bệnh ở từng thời điểm. Đồng thời, cử cán bộ bám sát địa bàn, khi phát hiện sâu bệnh với mật độ dày sẽ tổ chức tập huấn nhanh cho nông dân về các biện pháp điều trị hiệu quả. Để hạn chế sự phát triển bệnh, người dân cần thường xuyên thăm vườn. Khi phát hiện bệnh hoặc đến ngưỡng phòng trừ, lựa chọn sử dụng các loại thuốc sinh học, vi sinh để phòng trừ sâu bệnh theo nguyên tắc 4 đúng và bảo đảm thời gian cách ly.
Theo dự báo của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, thời gian tới, tình hình sâu, bệnh trên các loại cây trồng tiếp tục tăng cục bộ ở những vườn đã có biện pháp phòng trừ nhưng hiệu quả thấp, hiện tượng rụng quả sinh lý tiếp tục xảy ra… Để hạn chế thiệt hại do sâu, bệnh gây ra, ngành Nông nghiệp khuyến cao người dân tập trung bón bổ sung dinh dưỡng để cây nở hoa thuận lợi, tỷ lệ đậu quả cao. Các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, dự tính, dự báo sâu bệnh, theo dõi chặt chẽ diễn biến của thời tiết; thông báo nhanh tình hình sâu bệnh đến các hộ nông dân để chủ động phòng trừ kịp thời.
Theo Báo Tuyên Quang