Nhà văn hóa thôn Xuân Mai, xã Hùng Đức được đầu tư xây dựng năm 2023.
Đến xã Hùng Đức có thể cảm nhận được rõ rệt sự “thay da đổi thịt” của bộ mặt nông thôn nơi đây. Không chỉ có đường bê tông, cầu qua suối, nhà văn hóa khang trang mà nhà cửa của người dân cũng đã được xây dựng bề thế. Đồng chí Hà Xuân Trường, Chủ tịch UBND xã Hùng Đức chia sẻ, đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng yêu cầu phát triển, những năm qua xã Hùng Đức đã tập trung nhiều nguồn lực thực hiện các hạng mục. Từ năm 2011 đến nay xã đã làm được 60,46 km đường giao thông; xây dựng mới 20 nhà văn hóa thôn; xóa 34 nhà tạm, dột nát cho 34 hộ nghèo trong xã.
Cùng với đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn, Hùng Đức cũng xác định phát triển sản xuất là yếu tố quan trọng để nâng cao thu nhập cho người dân. Với thế mạnh về nông lâm nghiệp, địa phương đã quan tâm chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản xuất theo hướng tập trung, kinh tế tập thể, nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả và khuyến khích lao động nhàn rỗi tìm việc làm, hỗ trợ vốn vay thông qua liên kết với Ngân hàng Chính sách xã hội…Đến hết năm 2023 thu nhập của người dân đạt trên 42,57 triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều của xã giảm còn 12,99%. Xác định xây dựng NTM là hành trình không có điểm dừng, thời gian tới xã sẽ tiếp tục nâng cao chất lượng các tiêu chí, đem lại nhiều lợi ích thiết thực cho người dân.
Đường thôn Quảng Tân, xã Yên Lâm được bê tông khang trang, tạo thuận lợi cho Nhân dân đi lại và thông thương hàng hóa.
Giai đoạn 2021-2023, huyện Hàm Yên đã huy động ngân sách Nhà nước thực hiện chương trình 1.044 tỷ đồng; vốn tỉnh, huyện, lồng ghép 800 tỷ đồng. Cùng với ngân sách Nhà nước, huyện đã huy động được hơn 120 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa, chiếm 21% nguồn vốn xây dựng nông thôn mới; vận động nhân dân hiến gần 68.000m2 đất xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn. Từ nguồn xã hội hóa và nguồn ngân sách Nhà nước, huyện đã đầu tư, cải tạo hơn 150 km đường giao thông nông thôn; lắp đặt 30 km kênh mương; nâng cấp 11 công trình thủy lợi; cải tạo, xây mới 24 công trình trường học; nâng cấp 6 nhà văn hóa xã, 21 nhà văn hóa thôn...
Bên cạnh đó, huyện đã hình thành và duy trì 19 mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị gồm 15 hợp tác xã, 14 doanh nghiệp với gần 2.200 hộ gia đình tham gia liên kết gắn sản xuất với tiêu thụ; xây dựng được 21 sản phẩm OCOP, 10 sản phẩm được công nhận nhãn hiệu, 1 sản phẩm được công nhận chỉ dẫn địa lý. Nhiều sản phẩm có sức cạnh tranh trên thị trường như cam sành Hàm Yên, vịt bầu Minh Hương, chè xanh Làng Bát, thanh long ruột đỏ xã Yên Phú...
Đến nay, huyện Hàm Yên có 08 xã đã được công nhận đạt chuẩn NTM, 6 xã đang hoàn thiện tiêu chí và làm hồ sơ công nhận đạt chuẩn NTM; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 3 thôn được công nhận khu dân cư nông thôn kiểu mẫu. Huyện hoàn thành 5/9 tiêu chí NTM, gồm: Quy hoạch; Thủy lợi và phòng, chống thiên tai; Điện; Kinh tế; Hệ thống chính trị - An ninh trật tự - Hành chính công.
Hàm Yên xác định phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân luôn là mục tiêu cốt lõi của chương trình xây dựng NTM.
Năm 2024, huyện phấn đấu xã Đức Ninh đạt NTM nâng cao, xã Bình Xa đạt NTM kiểu mẫu và tiếp tục củng cố hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận 6 xã hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Với các xã đã đạt chuẩn NTM, huyện tiếp tục chỉ đạo nỗ lực duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí theo Bộ tiêu chí xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025; từng bước thực hiện và hoàn thành mục tiêu xây dựng xã NTM nâng cao, góp phần đưa huyện về đích NTM vào năm 2025.
Theo đồng chí Đỗ Đức Chiến, Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên, để đạt được mục tiêu về đích huyện NTM vào năm 2025, Hàm Yên xác định tập trung công tác lãnh, chỉ đạo, huy động cả hệ thống chính trị cùng Nhân dân tham gia xây dựng NTM; công tác chỉ đạo triển khai xây dựng NTM phải thực hiện đồng bộ, toàn diện, trong đó đặc biệt quan tâm phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, nâng cao thu nhập cho người dân. Phát huy vai trò chủ thể của người dân thực sự chủ động, tích cực, sáng tạo; huy động sự tham gia vào cuộc của các tổ chức, doanh nghiệp và các thành phần kinh tế khác trong xây dựng NTM.
Đối với thực hiện các tiêu chí huyện NTM, huyện giữ vững, nâng cao chất lượng 05 tiêu chí đã đạt; hoàn thành 04 tiêu chí chưa đạt. Trong năm 2024, huyện thực hiện cứng hóa 39,64 km đường huyện, nâng tổng số đường huyện được cứng hóa 269,29 km, đạt 100% tiêu chí; trồng cây xanh dọc 20 km tuyến đường huyện, nâng tổng số tuyến đường huyện trồng cây xanh 166 km, đạt 61,7%; xây dựng bến xe khách tại trung tâm huyện đạt chuẩn. Đồng thời, đẩy nhanh tiến độ xây dựng bể bơi huyện; xây dựng 4 nhà lớp học bộ môn và hạng mục phụ trợ trường THPT Hàm Yên; nâng cấp chợ trung tâm huyện. Cùng với đầu tư hạ tầng, huyện hỗ trợ các dự án phát triển sản xuất đối với các sản phẩm chủ lực như cây ăn quả, vùng sản xuất hàng hóa chè, gỗ rừng trồng...
Thực hiện tiêu chí Chất lượng môi trường sống, Hàm Yên sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý các công trình cấp nước tập trung tại các xã; kiểm tra, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm; chỉ đạo các xã thực hiện tiêu chí về cảnh quan, không gian sáng - xanh - sạch - đẹp, an toàn; tiếp tục chỉ đạo nâng cao hiệu quả phong trào cán bộ, đảng viên và Nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh tại cơ sở.
Những thành tựu trong xây dựng NTM của huyện Hàm Yên hôm nay là minh chứng cho sự chủ động, đoàn kết, thống nhất trong toàn Đảng, toàn dân, phát huy ý chí, khát vọng, sức mạnh, là nền tảng để Hàm Yên đạt mục tiêu trở thành địa phương hoàn thành xây dựng nông thôn mới vào năm 2025.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh