Trang thiết bị, máy móc được xã Thắng Mố bố trí hợp lý, giải quyết hiệu quả công việc của chính quyền mới sau sáp nhập.
Quan tâm chỉ đạo rà soát, phân loại tài sản công
Trên thực tế, quá trình sáp nhập xã phát sinh khối lượng lớn tài sản công cần rà soát, phân loại và bố trí lại. Các trụ sở xã, nhà văn hóa, phương tiện phục vụ nhiệm vụ công ở địa phương cũ dư thừa, cần được xử lý kịp thời để không gây lãng phí, thất thoát. Xuất phát từ thực tiễn, UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính, các cơ quan liên quan ban hành hướng dẫn các địa phương tổng kiểm kê tài sản công. Toàn bộ tài sản đều được lập danh mục, ghi nhận đầy đủ hiện trạng, hồ sơ pháp lý, bàn giao theo quy trình thống nhất. Những tài sản còn giá trị sử dụng được điều chuyển phục vụ cơ quan, đơn vị mới; những trụ sở, công trình dư thừa chuyển đổi công năng hoặc bán đấu giá, tạo nguồn thu ngân sách.
Đồng chí Bùi Mạnh Tuyên, Phó Giám đốc Sở Tài chính cho biết: “Trên nguyên tắc công khai, minh bạch, rõ trách nhiệm, chúng tôi tăng cường chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương rà soát, kiểm kê thực trạng, bàn giao tài sản, trụ sở, sổ kế toán, hồ sơ đất đai đầy đủ, đảm bảo tiến độ phục vụ công tác sáp nhập đơn vị hành chính. Đồng thời, thường xuyên đôn đốc rà soát, có phương án xử lý cụ thể tài sản dôi dư sau sắp xếp, đảm bảo tiết kiệm, chống lãng phí. Qua ghi nhận quá trình triển khai, các xã đã vào cuộc với tinh thần trách nhiệm, rõ người, rõ việc, rõ sản phẩm, từ đó đánh giá đầy đủ, toàn diện tài sản công, không gây xáo trộn quản lý nhà nước, góp phần vận hành hiệu quả chính quyền địa phương 2 cấp”.
Đến nay, 100% địa phương thực hiện sắp xếp tài sản công đúng lộ trình, khai thác tối đa công năng trụ sở, tài sản, trang thiết bị, đảm bảo tránh lãng phí, thất thoát. Đối với những công việc thuộc thẩm quyền đã xử lý dứt điểm các vướng mắc và tham mưu giao, chuyển giao, điều chuyển tài sản để đưa vào khai thác, sử dụng. Đơn cử như tại 7 xã thuộc huyện Yên Minh, tỉnh Hà Giang (cũ), các địa phương tổng rà soát chặt chẽ, ghi nhận 587 cơ sở nhà, tổng diện tích đất trên 423.000 m2, trên 184.000 m2 nhà. Hiện nay, chuyển nguyên trạng trụ sở làm việc từ các chính quyền cơ sở cũ cho chính quyền cơ sở mới; trụ sở các đơn vị sự nghiệp tạm thời giữ nguyên. Đối với trụ sở dôi dư đã bàn giao cho Công an, Quân sự xã để có phương án quản lý, hướng đến ưu tiên chuyển đổi công năng cho ngành y tế, giáo dục, xây dựng thiết chế văn hóa...
Người dân đến giải quyết thủ tục hành chính tại Trung tâm hành chính công xã Thái Hòa. Ảnh: Công Vượng
Sắp xếp hợp lý, phát huy giá trị lâu dài
Việc sắp xếp, khai thác và bảo quản tốt tài sản công không chỉ tránh lãng phí mà còn góp phần phục vụ nhiệm vụ chính trị, duy trì giá trị sử dụng lâu dài. Đồng thời, các địa phương tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý ngay bất cập trong sắp xếp, kết hợp tuyên truyền, vận động cán bộ, người dân ủng hộ, cùng tham gia giám sát. Hiện nay, nhiều địa phương thực hiện tốt, đạt tỷ lệ xử lý nhà đất cao trên 90% và có phương án xử lý tài sản dôi dư hợp lý, đúng quy định.
Ghi nhận ở xã Yên Minh, được thành lập trên cơ sở hợp nhất 5 xã, hiện trụ sở đặt tại UBND huyện cũ để tận dụng cơ sở hạ tầng sẵn có, phục vụ kịp thời công tác quản lý, điều hành. Đồng chí Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch UBND xã Yên Minh cho biết: “Xác định việc sắp xếp hợp lý tài sản công sẽ phục vụ tốt nhất nhu cầu của chính quyền và Nhân dân; trước khi đi vào hoạt động, xã tiếp nhận toàn bộ tài sản công gồm trụ sở cũ, trường học, nhà văn hóa, phương tiện, các công trình khác. Trong đó, nhiều tài sản công có giá trị, nhất là nhà và đất nằm dọc tuyến Quốc lộ 4C và phối hợp với ngành liên quan xây dựng phương án sử dụng, xử lý tài sản. Hoàn thiện toàn bộ hồ sơ pháp lý về đất đai, tài sản công ngay trong quá trình bàn giao; các phương tiện, máy móc thiết bị được điều chuyển về trụ sở làm việc hiện tại, quản lý rõ ràng, phục vụ trực tiếp công tác hành chính tại địa phương”.
Còn đối với xã Thắng Mố, việc sắp xếp hợp lý tài sản công đang phục vụ tốt yêu cầu phát triển của đơn vị hành chính mới. Đồng chí Cháng Mí Gió, Phó Giám đốc Trung tâm phục vụ hành chính công xã chia sẻ: “Làm việc trong trụ sở hiện đại, sắp xếp hợp lý, các phương tiện máy móc đầy đủ đã giúp chúng tôi nâng cao hiệu quả phục vụ Nhân dân, đảm bảo xây dựng chính quyền điện tử và cơ chế một cửa liên thông, tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính. Bên cạnh đó, cán bộ trung tâm rất phấn khởi, đánh giá cao việc bố trí lại các phòng chức năng, phòng tiếp dân, giúp nâng cao chất lượng phục vụ, tiết kiệm ngân sách đầu tư xây mới, giảm áp lực cho địa phương trong giai đoạn đầu sau sáp nhập”.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, các ngành liên quan và tinh thần chủ động của các địa phương, tài sản công đang tiếp tục phát huy giá trị lâu dài, nhận được đồng thuận của Nhân dân, đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững của đơn vị hành chính mới. Thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục thực hiện số hóa việc đăng ký, kiểm kê tài sản công; phân định rõ trách nhiệm các cơ quan quản lý; nâng cao trách nhiệm quản lý, sử dụng tài sản công minh bạch...
Theo Báo Tuyên Quang