Quy chế tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng công chức, viên chức
Từ ngày 01/5/2025, Thông tư số 001/2025/TT-BNV do Bộ Nội vụ ban hành chính thức có hiệu lực. Thông tư này quy định chi tiết về nội quy tuyển dụng, thi nâng ngạch công chức và quy chế xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức.
Theo đó, Hội đồng tuyển dụng, thi nâng ngạch, xét thăng hạng có trách nhiệm thông báo danh sách thí sinh đủ điều kiện dự thi và các thông tin liên quan đến kỳ thi. Trước ngày thi ít nhất một ngày làm việc, Hội đồng phải hoàn tất việc niêm yết danh sách thí sinh theo số báo danh, phòng thi, sơ đồ phòng thi, nội quy, hình thức và thời gian thi tại địa điểm tổ chức.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Đặc biệt, số báo danh của thí sinh phải được sắp xếp liên tục, bảo đảm không trùng lặp. Các tài liệu phục vụ kỳ thi như đề thi, đáp án, phiếu chấm điểm, biểu mẫu, thẻ thành viên Hội đồng và cơ sở vật chất phục vụ thi trên máy tính, vấn đáp, thực hành… cũng phải được chuẩn bị đầy đủ.
Đối với việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức, Thông tư quy định rõ quy trình thẩm định hồ sơ. Các thành viên thẩm định đánh giá, ghi kết quả vào Phiếu thẩm định. Trường hợp có ý kiến không thống nhất, hồ sơ được chuyển Trưởng ban thẩm định xem xét, quyết định hoặc báo cáo Chủ tịch Hội đồng.
Sau khi tổng hợp kết quả, Hội đồng họp xét, thảo luận công khai, dân chủ và thống nhất danh sách viên chức trúng tuyển. Chủ tịch Hội đồng báo cáo người đứng đầu cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả kỳ xét thăng hạng theo quy định hiện hành.
Ban hành tiêu chuẩn chức danh viên chức chuyên ngành dịch vụ việc làm
Thông tư số 04/2025/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 01/5/2025, quy định mã số và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trong lĩnh vực dịch vụ việc làm. Theo đó, chức danh nghề nghiệp này gồm ba hạng: Tư vấn viên dịch vụ việc làm hạng II (Mã số: V.09.06.01);Tư vấn viên dịch vụ việc làm hạng III (Mã số: V.09.06.02); Nhân viên tư vấn dịch vụ việc làm hạng IV (Mã số: V.09.06.03)
Tiêu chuẩn đạo đức chung của viên chức trong lĩnh vực việc làm được quy định rõ, gồm: trung thực, khách quan, tận tụy với công việc; tuân thủ pháp luật; cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ; tôn trọng quyền lựa chọn nghề nghiệp của công dân; giữ bí mật thông tin, tài liệu theo quy định.
Điều chỉnh mức phụ cấp lưu trú với cán bộ, công chức, viên chức
Ngày 19/3/2025, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 12/2025/TT-BTC (hiệu lực từ 04/5/2025) sửa đổi, bổ sung một số nội dung của Thông tư số 40/2017/TT-BTC về chế độ công tác phí và chi hội nghị.
Theo đó, mức phụ cấp lưu trú mới được áp dụng như sau: 300.000 đồng/người/ngày đối với cán bộ, công chức, viên chức đi công tác thông thường; 400.000 đồng/người/ngày đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ở đất liền đi công tác làm nhiệm vụ trên biển, đảo (áp dụng cho cả ngày làm việc và ngày đi về trên biển, đảo).
Trường hợp đi công tác trong ngày, thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định mức phụ cấp lưu trú căn cứ vào số giờ thực tế đi công tác, quãng đường di chuyển và quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ.
Đối với các ngành có chế độ công tác phí riêng cho nhiệm vụ trên biển, đảo, cán bộ, công chức, viên chức được quyền lựa chọn hưởng mức phụ cấp lưu trú hoặc mức bồi dưỡng theo chế độ cao nhất hiện hành.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Hướng dẫn xác định vị trí việc làm về pháp chế
Thông tư số 02/2025/TT-BTP của Bộ Tư pháp có hiệu lực từ ngày 15/5/2025, quy định về hướng dẫn xác định vị trí việc làm đối với công tác pháp chế trong cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập.
Thông tư này áp dụng đối với pháp chế viên cao cấp, chính, chuyên viên pháp chế tại các bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, danh mục vị trí việc làm, bản mô tả công việc và khung cấp độ năng lực của từng vị trí được xây dựng trên cơ sở nguyên tắc tại Nghị định số 62/2020/NĐ-CP và Nghị định số 106/2020/NĐ-CP của Chính phủ, bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của từng cơ quan, đơn vị.
Riêng với công tác pháp chế trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân, việc xác định vị trí việc làm thực hiện theo quy định của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an và các văn bản pháp luật liên quan.
Những chính sách mới được ban hành và chính thức có hiệu lực từ tháng 5/2025 sẽ góp phần hoàn thiện thể chế về công chức, viên chức, người lao động; đồng thời nâng cao tính minh bạch, công khai trong công tác tuyển dụng, nâng ngạch, xét thăng hạng và bảo đảm chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ khi thực thi nhiệm vụ.
Việc ban hành mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp viên chức trong lĩnh vực việc làm giúp chuẩn hóa đội ngũ tư vấn viên, nhân viên dịch vụ việc làm, đáp ứng yêu cầu phát triển thị trường lao động và an sinh xã hội trong giai đoạn mới.
Cùng với đó, việc điều chỉnh mức phụ cấp lưu trú phù hợp thực tiễn và hướng dẫn vị trí việc làm về công tác pháp chế sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động chuyên môn của các cơ quan, đơn vị, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật và quản trị công.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh