Chiêm Hóa: Chú trọng đào tạo nghề cho đồng bào dân tộc thiểu số

25/10/2024 - 14:27
244
Cỡ chữ:

Đào tạo nghề giải quyết việc làm là giải pháp căn bản để tạo sinh kế bền vững cho lao động nông thôn. Đây cũng là “chìa khóa” để các địa phương thực hiện mục tiêu nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Thời gian qua, huyện Chiêm Hóa đã chú trọng trong công tác đào tạo nghề theo các chương trình mục tiêu quốc gia, góp phần nâng cao đời sống, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo từng năm.

Trung tâm GDNN - GDTX huyện Chiêm Hóa khai giảng lớp trồng cây na tại xã Tri Phú.

Sau khi được tham gia lớp học về trồng rau, anh Lăng Văn Lâm ở xã Yên Nguyên đã chủ động tham gia cải tạo hơn 2.000m2 đất của gia đình để trồng cà chua, bắp cải, ớt và dưa chuột… theo hướng rau an toàn. Trước đây gia đình anh cũng trồng rau nhưng đa số là tự phát, chăm sóc không đúng quy trình nên năm được, năm không, giá bán cũng bấp bênh. Từ ngày tham gia lớp học về trồng rau sạch anh Lâm đã biết chủ động trong việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây rau, năng suất, chất lượng, giá bán rau cũng được cao hơn. Mỗi vụ rau, gia đình anh thu nhập trên 20 triệu đồng.

Còn với anh Chu Văn Linh ở xã Tri Phú sau khi hoàn thành lớp học vận hành máy thi công nền, anh đã tìm được công việc tại một doanh nghiệp xây dựng ở Hải Phòng có nguồn thu nhập ổn định hơn 8 triệu đồng/tháng.

Ông Hoàng Văn Đoan, Chủ tịch UBND xã Tri Phú cho biết, là xã đặc biệt khó khăn của huyện Chiêm Hóa, đồng bào DTTS chiếm 95%, nghề nghiệp chính của người dân chủ yếu là sản xuất nông nghiệp, kiến thức về khoa học kỹ thuật còn hạn chế. Do vậy việc mở các lớp đào tạo nghề cho bà con là rất cần thiết, giúp nhân dân địa phương có thêm kiến thức về trồng trọt, chăn nuôi, học thêm nghề mới để mở ra nhiều cơ hội việc làm hơn... Tính đến hết tháng 9/2024, xã phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN - GDTX) huyện mở 3 lớp học nghề, đào tạo cho 100 học viên.

Anh Lăng Văn Lâm ở thôn Khuôn Khoai, xã Yên Nguyên chăm sóc vườn ớt của gia đình.

Ông Hoàng Văn Chung, Giám đốc Trung tâm GDNN - GDTX huyện Chiêm Hóa cho biết: Từ đầu năm đến ngày 30/9, Trung tâm đã mở 9 lớp dạy nghề cho trên 300 học viên tham gia. Các lớp được triển khai ngay tại xã, trong đó tập trung vào các thôn có đông đồng bào DTTS với các nghề như: Sửa chữa máy nông nghiệp, chăn nuôi, trồng cây lâm nghiệp... Sau khi được học nghề, nhiều lao động được giới thiệu việc làm tại các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trong và ngoài huyện; đồng thời áp dụng kiến thức để phát triển sản xuất, kinh doanh; xây dựng được các mô hình kinh tế hiệu quả, cho thu nhập cao...

Công nhân làm việc tại Nhà máy luyện Feromangan Chiêm Hóa.

Để công tác đào tạo nghề đạt hiệu quả, huyện Chiêm Hóa đã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể, huy động sự vào cuộc tích cực của MTTQ, các đoàn thể ở địa phương đối với công tác dạy nghề. Đồng thời, đổi mới chương trình dạy nghề, điều tra, rà soát, khảo sát nhu cầu học nghề của người lao động, trên cơ sở đó có kế hoạch dạy nghề phù hợp.

Mặt khác, huyện chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về công tác đào tạo nghề bằng nhiều hình thức, phù hợp với điều kiện cụ thể của từng địa phương như: Tuyên truyền trên hệ thống đài truyền thanh huyện, xã, tổ chức hội nghị tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh khối THPT và người lao động...

Phiên giao dịch việc làm tại xã Trung Hà (Chiêm Hoá) tháng 6/2024 thu hút người lao động tìm hiểu thông tin về việc làm, học nghề.

Ông Đỗ Minh Hải, Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Chiêm Hóa cho biết: Phòng đã tham mưu cho UBND huyện tổ chức các phiên giao dịch việc làm để nắm bắt nhu cầu, định hướng, kết nối giữa người dân và các đơn vị tuyển dụng lao động. Qua 2 phiên giao dịch đã có trên 700 người dân được tư vấn, giới thiệu lựa chọn nghề cho bản thân. 9 tháng năm 2024 huyện đã giải quyết việc làm cho gần 3.500 người, đạt trên 100% kế hoạch. Việc thực hiện các phiên giao dịch việc làm đã góp phần giải quyết nhu cầu của người lao động, tạo nguồn thu nhập ổn định. 

Thời gian tới huyện Chiêm Hóa tiếp tục chỉ đạo các địa phương rà soát nhu cầu đào tạo; phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp tổ chức tư vấn tuyển chọn lao động đi làm việc tại các công ty, doanh nghiệp trong nước và xuất khẩu lao động; xây dựng các mô hình tổ hợp tác, HTX, giúp lao động là người DTTS có việc làm, thu nhập ổn định, góp phần xóa đói, giảm nghèo bền vững tại địa phương./.

Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang