Dự án “Trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao” tại thôn Điểng, xã Nhân Lý, huyện Chiêm Hóa là dự án của Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Hồng Phát, được Ủy ban nhân dân tỉnh Tuyên Quang phê duyệt tại Quyết định số 263/QĐ-UBND ngày 28/4/2022, điều chỉnh tại Quyết định số 100/QĐ-UBND ngày 18/3/2023 với diện tích là 7 ha. Dự án có quy mô chăn nuôi 2.500 con, trong đó có 2.400 nái và 100 lợn đực giống.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang và Đoàn công tác của tỉnh, huyện kiểm tra thực tế về tiến độ Dự án trang trại chăn nuôi lợn sinh sản công nghệ cao tại thôn Điểng, xã Nhân Lý.
Dự án được triển khai xây dựng từ cuối năm 2022, đến nay đã hoàn thành hơn 90% tổng tiến độ thi công. Các hạng mục của dự án, đang thực hiện công tác hoàn thiện, lắp đặt thiết bị và dự kiến hoàn thành trong tháng 5 và đưa vào khai thác trong tháng 6/2025. Hệ thống chuồng trại được xây dựng theo mô hình khép kín, chuồng trại được xây dựng bảo đảm tiêu chuẩn, thoáng mát, sử dụng hệ thống sàn nhựa, sàn bê tông, bảo đảm công tác quản lý dịch bệnh. Dự án sau khi hoàn thiện đi vào hoạt động góp phần thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021-2025; định hướng “Phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị; xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường. Ứng dụng khoa học công nghệ cải tạo tầm vóc, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi"...
Theo ông Lê Tiến Dũng, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư nông nghiệp Hồng Phát, ngay sau khi hoàn thiện các hạng mục đầu tư của dự án, công ty sẽ tiến hành các bước xin cấp phép đủ điều kiện chứng nhận chăn nuôi để dự án đi vào hoạt động. Khi dự án chăn nuôi đi vào hoạt động sẽ tạo công ăn việc làm cho trên 100 lao động tại địa phương.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang và Đoàn công tác của tỉnh, huyện kiểm tra thực tế Dự án "chăn nuôi lợt thịt tập trung công nghệ cao" tại thôn Nà Lá, xã Xuân Quang
Đối với Dự án "chăn nuôi lợt thịt tập trung công nghệ cao" tại thôn Nà Lá, xã Xuân Quang, huyện Chiêm Hóa có diện tích hơn 5 ha, số vốn đầu tư trên 40 tỷ đồng, quy mô chăn nuôi khoảng 12.000 con/lứa, hàng năm cấp ra thị trường trên 24.000 con lợn thịt. Hiện nay, dự án đã hoàn thiện các thủ tục đầu tư xây dựng và đang đưa vào vận hành…
Theo đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Chiêm Hóa Vũ Đình Tân, đây là 2 dự án chăn nuôi lớn tại huyện Chiêm Hóa, dự án sau khi hoàn thiện đi vào hoạt động góp phần thực hiện thành công kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Định hướng phát triển chăn nuôi hàng hóa tập trung theo chuỗi giá trị. Xây dựng vùng, cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh, an toàn sinh học, bảo vệ môi trường, ứng dụng khoa học công nghệ cải tạo tầm vóc, nâng cao năng suất, chất lượng, khả năng cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
Trên địa bàn huyện Chiêm Hóa hiện có 11 hợp tác xã chăn nuôi tổng hợp, trong đó có 10 hộ chăn nuôi quy mô trang trại vừa và nhỏ quy mô từ 100 con lợn trở lên đến 2.500 con tập trung ở các xã Vinh Quang, Kim Bình, Ngọc Hội, Phúc Thịnh, Nhân Lý... huyện có tổng số 28.900 con trâu, khoảng 2.600 con bò, trên 130.000 con lợn, 1,5 triệu con gia cầm. Cùng với việc hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã trên địa bàn, Ủy ban nhân dân huyện Chiêm Hóa đã tích cực phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan thực hiện các giải pháp thu hút doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, nhất là các dự án của những tập đoàn, doanh nghiệp lớn; huyện luôn ưu tiên phát triển chuỗi giá trị gắn với sản phẩm có lợi thế của địa phương gắn với tạo việc làm cho lao động.
Dự án chăn nuôi lợt thịt tập trung công nghệ cao tại thôn Nà Lá, xã Xuân Quang có diện tích hơn 5 ha.
Đầu tháng 4/2025 đồng chí Nguyễn Thế Giang, Ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có cuộc kiểm tra đẩy nhanh tiến độ các dự án chăn nuôi trên địa bàn huyện Chiêm Hóa. Qua kiểm tra, đồng chí đánh giá cao sự nỗ lực đẩy nhanh tiến độ của các dự án, góp phần chuyển dịch cơ cấu ngành chăn nuôi của tỉnh theo hướng tập trung, ứng dụng công nghệ chăn nuôi hiện đại, tiên tiến.
Làm việc với các sở, ngành, huyện Chiêm Hóa và các doanh nghiệp đầu tư. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh mong muốn các dự án khi đưa vào hoạt động sớm đạt mục tiêu đề ra, đem lại lợi ích chung cho người dân, doanh nghiệp, nhà đầu tư, địa phương và chính quyền. Doanh nghiệp cần chủ động hoàn thiện các hạng mục của dự án, quyết tâm mạnh mẽ, hành động nhanh, quyết liệt hơn nữa. Các sở, ngành liên quan, huyện Chiêm Hóa cùng hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện các thủ tục theo quy định của pháp luật; đẩy nhanh tiến độ dự án, đồng thời tạo được sự đồng tình, ủng hộ của Nhân dân, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp và người dân địa phương…
Đồng thời lưu ý các nhà đầu tư trong quá trình hoạt động của các dự án trang trại chăn nuôi phải tuân thủ, chấp hành các quy định của pháp luật về chăn nuôi, thú y và bảo vệ môi trường; an toàn dịch bệnh nhằm phát huy hiệu quả dự án đầu tư. Tuyệt đối không để gây ô nhiễm môi trường ảnh hưởng đến cộng đồng dân cư... Việc ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp đã làm thay đổi từ phương thức canh tác truyền thống sang sản xuất quy mô lớn, mang tính hàng hóa. Qua đó góp phần nâng cao giá trị, tăng năng suất, nâng cao chất lượng sản phẩm và phòng, chống dịch bệnh, bảo đảm vệ sinh môi trường… tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động địa phương.
Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh