Thời tiết đang giai đoạn chuyển mùa, đây là điều kiện thuận lợi để dịch bệnh trên đàn vật nuôi phát sinh và lây lan nhanh. Vì vậy, các địa phương cần triển khai, làm tốt công tác tuyên truyền, đôn đốc các hộ chăn nuôi chủ động vệ sinh chuồng trại, chuẩn bị đầy đủ phương tiện, dụng cụ, vật tư, hóa chất phục vụ phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi; vận động các hộ chăn nuôi chủ động mua các loại vắc xin không thuộc diện được Nhà nước hỗ trợ kinh phí để tiêm phòng cho đàn vật nuôi theo từng độ tuổi…
Nhân viên thú y xã Hồng Sơn (Sơn Dương) tiêm phòng vắc xin cho vật nuôi của người dân.
Bà Nguyễn Thị Uyên, Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ Hoàng Thức, xã Yên Nguyên (Chiêm Hóa) cho biết, hiện tại HTX đang duy trì khoảng 200 con bò giống. Xác định tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn vật nuôi, hàng năm HTX đều chủ động tiêm phòng để bảo vệ cho đàn gia súc. Thời điểm giao mùa như hiện nay là lúc các bệnh dễ bùng phát, HTX đã chủ động vệ sinh chuồng trại sạch sẽ, đồng thời cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng cho vật nuôi.
Ông Trương Huy Canh, Phó Chủ tịch UBND xã Tú Thịnh (Sơn Dương) cho biết, không chờ có thuốc cấp, phát từ tỉnh, nhiều hộ gia đình chăn nuôi trên địa bàn xã đã chủ động mua vắc xin và tiêm phòng ngay khi thời tiết chuyển mùa. Hiện xã đang tích cực chỉ đạo các thôn tiếp tục rà soát số lượng đàn vật nuôi, triển khai biện pháp tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin, đồng thời phát huy hiệu quả vai trò của cán bộ thú y. Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của việc tiêm phòng, giúp hộ chăn nuôi tiếp tục phát triển đàn vật nuôi theo hướng bền vững.
Những năm trước đây, do chưa nhận thức được vai trò của việc tiêm phòng nên gia đình bà Nguyễn Thị Cúc, xã Hồng Sơn (Sơn Dương) thường không tiêm phòng cho đàn vật nuôi khi giao mùa. Vì vậy, đàn vật nuôi của gia đình bà dễ bị mắc bệnh. Hiện nay, qua tuyên truyền, vận động gia đình bà Cúc tiến hành tiêm phòng đầy đủ, đàn vật nuôi của gia đình khỏe mạnh, phát triển tốt.
Nhân viên thú y xã Bình An (Lâm Bình) tiêm phòng vắc xin cho gia súc của người dân.
Hiện nay các địa phương trên địa bàn tỉnh đang tập trung tiêm phòng cho đàn vật nuôi, với mục tiêu phấn đấu tiêm đạt kế hoạch đề ra. Điểm đáng ghi nhận đó là sự chủ động, tích cực của người chăn nuôi trong phòng ngừa dịch bệnh. Ông Nguyễn Đăng Khoa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh cho biết: Toàn tỉnh hiện có gần 51.000 con trâu, trên 43.400 con bò, 536.500 con lợn và trên 4 triệu 086 nghìn con gia cầm... Chi cục đã cung ứng và cấp phát 362.260 liều vắc xin hỗ trợ của tỉnh cho các địa phương. Tính đến ngày 30/10/2024, toàn tỉnh đã tiêm phòng vắc xin Tụ huyết trùng đối với đàn trâu đạt 42,9%, đàn bò đạt 63%; vắc xin Dịch tả lợn đạt 60,7%; vắc xin Niu cát sơn, Lasota trên đàn gia cầm đạt 37,69% kế hoạch. Xác định tầm quan trọng của việc tiêm vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm, đặc biệt trong thời điểm giao mùa, các địa phương đã chỉ đạo cán bộ chuyên môn, cán bộ thú y thôn, bản hướng dẫn người dân tích cực tiêm phòng vắc xin đảm bảo đúng yêu cầu và tỷ lệ theo quy định.
Việc tiêm phòng cho đàn gia súc, gia cầm đúng định kỳ, là biện pháp tốt nhất để bảo vệ đàn vật nuôi. Nhằm hạn chế dịch bệnh, đảm bảo cho đàn gia súc, gia cầm sinh trưởng phát triển bền vững. Tuy nhiên, trước bối cảnh dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm vẫn đang diễn biến phức tạp cộng với thời tiết giao mùa như hiện nay, đây là môi trường thuận lợi cho các dịch bệnh bùng phát, lây lan. Do vậy, ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo người chăn nuôi cần chủ động theo dõi chặt chẽ, tăng cường cung cấp dinh dưỡng, tiêm phòng dịch bệnh, thường xuyên sát trùng, vệ sinh chuồng trại; đặc biệt, cần báo ngay cho các cơ quan chức năng, chính quyền cơ sở khi phát hiện dịch bệnh trên đàn vật nuôi./.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh