Hiện trường sạt lở đất do mưa lớn kéo dài xảy ra tại thôn 1 Việt Thành, xã Tân Thành (Hàm Yên)
Theo đó, trong năm 2024, Tuyên Quang đã chịu ảnh hưởng của 19 đợt thiên tai, gồm mưa lớn, lốc xoáy, sạt lở đất, lũ quét… gây thiệt hại nghiêm trọng. Toàn tỉnh có 9 người chết, 11 người bị thương; hơn 22.500 căn nhà bị hư hỏng, tốc mái, ngập lụt hoặc phải di dời khẩn cấp. Nhiều công trình hạ tầng thiết yếu, trường học, trạm y tế, nhà văn hóa, di tích, ao hồ, lồng bè nuôi thủy sản, gia súc, gia cầm… bị ảnh hưởng, với tổng giá trị thiệt hại ước tính gần 2.000 tỷ đồng.
Đáng chú ý, các công trình giao thông, thủy lợi bị sạt lở, hư hỏng nghiêm trọng. Toàn tỉnh có gần 15 km bờ sông, bờ suối bị sạt lở; hàng chục tuyến đường quốc lộ, đường địa phương bị ách tắc, gần 30 cầu bị hư hỏng; 7 trạm biến thế và hơn 500 cột điện bị đổ gãy; thông tin liên lạc tại nhiều khu vực bị gián đoạn.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2025 ENSO có khả năng duy trì ở trạng thái trung tính; số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, trong đó từ tháng 8 đến tháng 10 có thể xuất hiện khoảng 6-7 cơn bão. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lớn diện rộng, dông, lốc, sét, mưa đá tiếp tục xảy ra và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh.
Tình trạng lũ trên các sông, suối nhỏ, thượng nguồn sông Lô, sông Gâm cũng có thể diễn biến phức tạp vào các tháng cao điểm mùa mưa lũ. Lượng nước về các hồ chứa dự báo sẽ thiếu hụt trong một số thời điểm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt.
Để chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai có thể xảy ra, UBND tỉnh yêu cầu các ngành, địa phương rà soát, cập nhật phương án phòng, chống thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”, gắn với kinh nghiệm xử lý cơn bão số 3 (Yagi) trong năm 2024.
Trong đó, chú trọng xây dựng các phương án di dời dân cư ở các vùng có nguy cơ cao về sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét; kiểm tra, đánh giá an toàn các công trình thủy lợi, hồ đập, hệ thống điện, thông tin liên lạc; chủ động dự trữ vật tư, nhu yếu phẩm, thiết bị y tế; củng cố đội xung kích phòng, chống thiên tai ở cơ sở.
Đồng thời, đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, cảnh báo thiên tai qua nhiều kênh truyền thông hiện đại và truyền thống; ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ trong công tác dự báo, cảnh báo và vận hành hồ chứa, thủy điện, bảo vệ các công trình trọng điểm.
Kế hoạch đề ra một số giải pháp trọng tâm nhằm thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống thiên tai đối với các khu vực khai thác khoáng sản, công trình giao thông, hồ đập, khu dân cư, khu du lịch, di tích lịch sử. Tập trung rà soát, củng cố hệ thống đê điều, hồ đập, đặc biệt là các vị trí trọng điểm, xung yếu; tổ chức tuần tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời sự cố...
UBND tỉnh giao các ngành chức năng thực hiện công tác đào tạo, tập huấn, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng, chống thiên tai; tổ chức diễn tập ứng phó các tình huống thiên tai phức tạp; triển khai các chính sách hỗ trợ di dời dân cư ra khỏi vùng nguy hiểm theo Nghị quyết số 16/2023/NQ-HĐND ngày 07/12/2023 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quy định chính sách hỗ trợ thực hiện bố trí dân cư các vùng: Thiên tai, đặc biệt khó khăn, di cư tự do, khu rừng đặc dụng trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang, giai đoạn 2023-2030...
Xem chi tiết kế hoạch tại đây./.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh