Theo báo cáo của Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, trong năm 2024 và 3 tháng đầu năm của 2025, toàn tỉnh đã ghi nhận 20 đợt thiên tai (mưa vừa, mưa to kèm dông, lốc, ngập lụt, lũ quét cục bộ) gây ra các thiệt hại về người, nhà ở, tài sản, hoa màu và công trình hạ tầng của nhà nước, làm ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất và đời sống của Nhân dân. Trong năm 2024, đã làm 9 người chết, 11 người bị thương; trên 22.500 nhà bị sập đổ, sạt lở, tốc mái, ngập lụt, phải di chuyển khẩn cấp; 58 điểm trường bị ảnh hưởng, hư hỏng; 7 trạm y tế bị ảnh hưởng, thiệt hại; 17 nhà văn hóa, danh lam thắng cảnh bị thiên tai tàn phá. Trên 5.986 ha lúa; 3.136 ha ngô và hoa màu, cây trồng hằng năm bị thiệt hại, ảnh hưởng; 545 ha ao cá bị vỡ, tràn bờ, 537 lồng, bè cá bị thiệt hại. Hệ thống đê điều, đường giao thông, cầu cống, mạng lưới thông tin liên lạc bị hư hỏng. Toàn tỉnh có gần 15 km bờ sông, bờ suối bị sạt lở; hàng chục tuyến đường quốc lộ, đường địa phương bị ách tắc, gần 30 cầu bị hư hỏng; 7 trạm biến thế và hơn 500 cột điện bị đổ gãy; thông tin liên lạc tại nhiều khu vực bị gián đoạn.
Công nhân Công ty Thủy điện Tuyên Quang diễn tập ứng cứu sự cố thiên tai bảo vệ an toàn công trình điện.
Đồng chí Bùi Chí Thanh, Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết: Ước tính thiệt hại do thiên tai năm 2024 vừa qua đã lên đến gần 2.000 tỷ đồng, bằng 50% thu ngân sách năm 2024 của tỉnh - một con số thiệt hại lớn chưa từng có trong lịch sử.
Theo nhận định của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, năm 2025 ENSO có khả năng duy trì ở trạng thái trung tính; số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên Biển Đông ở mức xấp xỉ trung bình nhiều năm, trong đó từ tháng 8 đến tháng 10 có thể xuất hiện khoảng 6-7 cơn bão. Các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, mưa lớn diện rộng, dông, lốc, sét, mưa đá tiếp tục xảy ra và có thể ảnh hưởng trực tiếp đến địa bàn tỉnh.
Tình trạng lũ trên các sông, suối nhỏ, thượng nguồn sông Lô, sông Gâm cũng có thể diễn biến phức tạp vào các tháng cao điểm mùa mưa lũ. Lượng nước về các hồ chứa dự báo sẽ thiếu hụt trong một số thời điểm, ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt…
Để chủ động phòng, chống và ứng phó kịp thời với các loại hình thiên tai có thể xảy ra, ngày 7/5, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 100/KH-UBND về phòng, chống thiên tai năm 2025, yêu cầu các ngành, địa phương xác định rõ trách nhiệm, chủ động rà soát các điểm, khu vực có nguy cơ cao về sạt lở đất, lũ ống, lũ quét để xây dựng phương án ứng phó kịp thời, hiệu quả; thực hiện có hiệu quả phương châm “bốn tại chỗ” và “ba sẵn sàng”; triển khai đồng bộ các giải pháp với sự vào cuộc của các cấp chính quyền và sự tham gia, góp sức của toàn xã hội, cộng đồng dân cư.
Đồng chí Trần Hải Tuyên, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn và Quản lý chất lượng, đơn vị được giao đảm nhận trách nhiệm sắp xếp, bố trí ổn định dân cư vùng xung yếu cho biết: Hằng năm trên địa bàn tỉnh có khoảng 80-100 hộ nằm trong diện nguy hiểm phải di dời. Ngành đã phối hợp với các huyện, thành phố, tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư hỗ trợ di dời các hộ dân sinh sống trong vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Việc sắp xếp, bố trí theo 2 hình thức xen ghép và tập trung, đảm bảo cự ly di chuyển ngắn, không xáo trộn về đời sống và sản xuất của người dân.
Tỉnh cũng đã lắp đặt trạm đo mưa tự động và hệ thống cảnh báo sớm thiên tai vào hệ thống thông tin chung của tỉnh, đồng thời tiến hành sửa chữa, xây dựng công trình phòng chống thiên tai. Tỉnh cũng yêu cầu các huyện, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương tổ chức diễn tập phương án phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn với sự tham gia của các lực lượng cho phù hợp…
Ngoài ra, UBND tỉnh vừa ban hành Văn bản số 2351/UBND-KT, ngày 21/5 về đảm bảo an toàn thi công xây dựng và phòng chống sạt lở trong mùa mưa lũ. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo: Giám đốc các Sở, ngành; Thủ trưởng các cơ quan đơn vị; Chủ tịch UBND huyện, thành phố: Tổ chức kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn, phòng chống thiên tai tại các công trình xây dựng trên địa bàn (hoặc được giao làm chủ đầu tư), kiểm tra công tác đảm bảo an toàn cho thiết bị, máy móc, phương tiện thi công; trong đó đặc biệt lưu ý đến các công trình được xây dựng tại các vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng bởi thiên tai, các khu vực có địa hình đồi núi, ven sông, suối, khu vực có nguy cơ sạt lở cao để kịp thời chỉ đạo các đơn vị khắc phục các hạn chế, đảm bảo an toàn cho người và công trình.
Sở Xây dựng, UBND huyện, thành phố theo chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm thực hiện đình chỉ việc xây dựng công trình có dấu hiệu không bảo đảm an toàn hoặc có nguy cơ gây sạt lở, ảnh hưởng đến dòng chảy, thoát lũ. Kiên quyết tổ chức di dời hoặc có phương án chủ động chống sạt lở, sơ tán khi có tình huống xấu nhằm bảo đảm an toàn, hạn chế thiệt hại cho người và tài sản…
Hành động sớm, chủ động trước thiên tai sẽ góp phần giảm thiểu thiệt hại, bảo vệ an toàn người và tài sản cho Nhân dân. Tuy nhiên, bên cạnh sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành, mỗi người dân cũng cần nâng cao nhận thức, trang bị kỹ năng ứng phó và chung tay xây dựng cộng đồng an toàn, vững vàng trước thiên tai.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh