Sau 5 năm triển khai các Chương trình MTQG, tỉnh Tuyên Quang đã huy động tổng các nguồn lực đạt hơn 64.000 tỷ đồng. Trong đó, chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) huy động hơn 59.000 tỷ đồng, tập trung đầu tư hạ tầng nông thôn và phát triển sản xuất; chương trình giảm nghèo bền vững huy động hơn 1.100 tỷ đồng, hỗ trợ sinh kế và an sinh xã hội; chương trình phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN huy động trên 3.100 tỷ đồng, ưu tiên cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội vùng khó khăn.
Các nguồn vốn này đã được đầu tư có trọng tâm, trọng điểm vào nhiều hạng mục then chốt như xây dựng cơ sở hạ tầng, đường giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi, nhà văn hóa, trạm y tế, hỗ trợ phát triển sản xuất, nâng cao năng lực quản lý cho cán bộ cơ sở, đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người dân...
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang kiểm tra dự án đầu tư từ Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN tại xã Tri Phú (Chiêm Hóa).
Đồng chí Âu Thế Thái, Bí thư Huyện ủy Lâm Bình cho biết: Chương trình MTQG có tác động lớn đến sinh kế đồng bào DTTS, tạo diện mạo mới cho các xã vốn thuộc diện đặc biệt khó khăn trên địa bàn huyện. Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo các đơn vị chuyên môn, các xã triển khai thực hiện các Chương trình MTQG một cách toàn diện. Trong quá trình triển khai, huyện đề ra phương châm phải đảm bảo đúng quy định, đúng mục tiêu, nhiệm vụ, hiệu quả đầu tư. Qua đó, tất cả các chương trình đạt kết quả khá tốt, giúp phát triển kinh tế - xã hội các xã vùng đồng bào DTTS, đời sống người dân không ngừng được cải thiện nâng lên.
Tuyến đường giao thông nông thôn xã Lực Hành (Yên Sơn) được đầu tư xây dựng, giúp người dân giao thương thuận lợi.
Cùng với phát triển hạ tầng, tỉnh cũng triển khai mạnh mẽ các chương trình về an sinh xã hội, trong đó Đề án xóa nhà tạm, nhà dột nát; giai đoạn 2021-2025 đã ghi nhận kết quả ấn tượng. Tính đến ngày 6/6/2025, toàn tỉnh có 6.874/6.928 căn nhà được khởi công, hoàn thành và đưa vào sử dụng, đạt 99,22% kế hoạch.
Đồng chí Nguyên Hữu Phương, Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Sơn chia sẻ: Xoá nhà tạm, nhà dột nát là chủ trương đầy tính nhân văn, được cả hệ thống chính trị ở huyện Yên Sơn quyết liệt triển khai bằng tinh thần trách nhiệm cao nhất, nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực hỗ trợ các gia đình chính sách, hộ nghèo, hộ khó khăn làm nhà ở. Đến hết tháng 5/2025, toàn huyện đã hoàn thành khởi công, sửa chữa 1.811/1.811 nhà tạm, nhà dột nát, đạt 100% kế hoạch, là huyện có tiến độ khởi công và hoàn thành đứng đầu toàn tỉnh.
Chương trình mỗi xã một sản phẩm OCOP là một trong những điểm sáng nổi bật trong giai đoạn này. Hiện toàn tỉnh có 275 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên. Chương trình OCOP không chỉ giúp nâng tầm sản phẩm địa phương, mà còn tạo thêm thu nhập, việc làm và kết nối sản phẩm nông thôn với thị trường trong và ngoài nước, nâng cao đời sống, thu nhập cho người dân.
Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững cũng mang lại hiệu quả rõ rệt, giai đoạn 2021-2024, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh đã giảm từ 23,45% xuống còn 10,19%, bình quân giảm 4,42%/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện giảm từ 53,35% xuống còn 30,02%. Tỷ lệ hộ nghèo trong vùng đồng bào DTTS giảm từ 37,31% xuống còn 16,04%. Qua đó góp phần từng bước hỗ trợ các địa phương hoàn thành các chỉ tiêu, tiêu chí trong xây dựng NTM.
Chương trình MTQG được triển khai hiệu quả đã góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi của tỉnh.
Đồng chí Ma Quang Hiếu, Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo cho biết: Việc triển khai thực hiện các Chương trình MTQG có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với chiến lược phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng. Sự thành công của chương trình là kết quả sự vận dụng lấy dân là gốc, dân là chủ thể; phối hợp linh hoạt đa nguồn lực, tránh chồng chéo; công khai minh bạch, luôn bám sát cơ sở. Đến nay tỉnh có 88/121 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 20 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, 08 xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; cuộc sống người dân ngày càng được nâng cao...
Những kết quả đạt được sẽ là tiền đề để các địa phương thực hiện, duy trì, củng cố các tiêu chí đã đạt được, tạo nền tảng bước vào thời kỳ phát triển mới khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp. Thời gian tới các địa phương cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, trong đó có các chính sách đặc thù của tỉnh. Huy động, sử dụng có hiệu quả tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN, nhất là các xã đặc biệt khó khăn...
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh