Chuyện làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số ở Lâm Bình

12/03/2025 - 15:40
212
Cỡ chữ:

Lâm Bình, một huyện vùng cao của tỉnh Tuyên Quang, không chỉ được biết đến với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ mà còn là nơi ghi dấu những câu chuyện vượt khó vươn lên làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số. Với sự hỗ trợ từ chính quyền địa phương, những người nông dân nơi đây đã biến đất rừng, nương rẫy thành những mô hình kinh tế hiệu quả, tạo ra giá trị bền vững.

Trung tâm huyện Lâm Bình

Nằm cách trung tâm thành phố Tuyên Quang hơn 100km, Lâm Bình là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số như Tày, Dao, Mông… Trước đây, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào canh tác lúa nương, ngô và chăn nuôi nhỏ lẻ, thu nhập bấp bênh. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật và tận dụng tiềm năng du lịch, nhiều hộ gia đình đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Thành lập từ năm 2021, HTX thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An có 13 thành viên, cùng trồng và phát triển gần 20 ha dược liệu bản địa như khôi nhung, mật gấu, bình vôi đỏ, bảy lá một hoa, khúc khắc, mía dò, kim tuyến… Những loại cây này có giá trị dược liệu cao, phù hợp với điều kiện miền núi, có thể trồng dưới tán rừng tự nhiên, giúp bảo vệ hệ sinh thái rừng và tạo nguồn thu nhập bền vững cho người dân. Đặc biệt, chi phí đầu tư không quá lớn, đầu ra ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường. Điểm đặc biệt của HTX là không bán dược liệu thô mà chế biến thành các bài thuốc gia truyền, giúp nâng cao giá trị sản phẩm. Nhờ đó, hiệu quả kinh tế vượt trội hơn so với việc chỉ trồng và bán nguyên liệu thô.

Anh La Văn Dũng, Giám đốc HTX chia sẻ: "Người Dao từ lâu đã lưu giữ nhiều bài thuốc quý từ cây dược liệu trong tự nhiên. Thay vì khai thác tận diệt, chúng tôi nhận khoán bảo vệ rừng, tận dụng tán rừng để trồng dược liệu theo hướng bền vững. Điều này không chỉ giúp bảo tồn nguồn dược liệu quý mà còn tạo việc làm ổn định cho bà con địa phương."

Các thành viên Hợp tác xã thuốc Đông y Tân Hoa, xã Bình An thu hái thuốc dưới tán rừng.

Với 7 ha dược liệu, gia đình anh Dũng chủ động nguồn nguyên liệu, thu lãi khoảng 40 triệu đồng/tháng từ việc bán các bài thuốc. Các thành viên khác trong HTX cũng có thu nhập ổn định từ 7 - 10 triệu đồng/tháng. HTX không chỉ tạo ra giá trị kinh tế bền vững mà còn gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế và bảo tồn tri thức y học cổ truyền của người Dao. Mô hình này  góp phần quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, hướng tới sự phát triển xanh và bền vững.

Gia đình anh Lý Văn Nam, xã Thổ Bình là một điển hình với mô hình nuôi trâu sinh sản. Lúc đầu gia đình anh chỉ có hai con trâu. Sau nhiều năm tích lũy, đàn trâu nay đã lên 30 con. Mỗi năm, anh xuất bán khoảng 10 con, thu về hơn 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng tận dụng phân trâu làm phân bón hữu cơ, giúp tiết kiệm chi phí và nâng cao hiệu quả sản xuất. Anh Nam chia sẻ: Nhận thấy tiềm năng tiêu thụ thịt trâu, tôi đang mở rộng mô hình, liên kết với các hộ khác để xây dựng chuỗi sản xuất và tiêu thụ ổn định. Ngoài ra, tôi cũng thử nghiệm mô hình nuôi trâu vỗ béo, cho ăn thức ăn giàu dinh dưỡng để tăng trọng nhanh, nâng cao giá trị con giống.

Những mô hình này không chỉ giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập mà còn góp phần bảo vệ rừng, phát triển kinh tế bền vững, mở ra hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp và dược liệu tại địa phương.

Homestay Lâm Bình sở hữu vị trí đắc địa giữa không gian thiên nhiên hùng vĩ, mang đến tầm nhìn mãn nhãn ra núi đồi tuyệt đẹp.

Không chỉ được biết đến với thế mạnh về nông nghiệp, huyện Lâm Bình còn sở hữu cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ và bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo. Nhận thức rõ tiềm năng này, nhiều hộ gia đình đã chủ động phát triển mô hình du lịch cộng đồng, biến những nếp nhà sàn truyền thống thành điểm đến hấp dẫn du khách trong và ngoài nước.

Bắt đầu từ cuối năm 2016, huyện Lâm Bình triển khai mô hình du lịch cộng đồng (homestay) với 15 hộ dân tại các xã Thượng Lâm, Khuôn Hà, Lăng Can. Đến nay, số lượng hộ tham gia đã tăng lên hơn 50, mở rộng ra các xã Phúc Yên, Thổ Bình, Hồng Quang, Phúc Sơn. Cùng với việc phát triển homestay, huyện chú trọng xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc như chèo thuyền kayak trên lòng hồ sinh thái, du thuyền khám phá thiên nhiên, cưỡi ngựa trải nghiệm, cũng như phát triển các sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ tre nứa, dệt thổ cẩm. 

Nhằm tạo đột phá trong phát triển du lịch, huyện đã có chiến lược quy hoạch bài bản, đầu tư hạ tầng đồng bộ và hỗ trợ người dân xây dựng mô hình homestay chất lượng cao. Ngay từ khi triển khai, chính quyền địa phương đã thành lập tổ công tác chuyên trách hướng dẫn các hộ dân từ khâu xây dựng, bài trí không gian đến kỹ năng đón tiếp khách. Đồng thời, huyện tổ chức các chương trình học tập kinh nghiệm tại các địa phương có mô hình homestay phát triển như Hà Giang, Hòa Bình, Thái Nguyên, giúp người dân nâng cao kiến thức và kỹ năng làm du lịch.

Bên cạnh đó, huyện thường xuyên mở các lớp tập huấn về nghiệp vụ du lịch, kỹ năng quảng bá sản phẩm, xây dựng phương án đảm bảo an toàn cho du khách. Việc bảo tồn không gian văn hóa truyền thống, kiến trúc nhà sàn cùng với nâng cấp cơ sở vật chất được thực hiện đồng bộ, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch tại Lâm Bình.

Chị Ma Thị Hoa, chủ homestay tại thôn Nà Đông, xã Thượng Lâm, chia sẻ: “Ban đầu, tôi chỉ định mở homestay để phục vụ khách lẻ. Nhưng sau khi tham gia lớp tập huấn của huyện, tôi biết cách xây dựng sản phẩm du lịch, tổ chức trải nghiệm dệt thổ cẩm, ẩm thực địa phương. Nhờ đó, lượng khách tăng lên đáng kể, giúp cải thiện thu nhập cho gia đình.”

Huyện Lâm Bình đang từng bước khẳng định sự chuyển mình mạnh mẽ nhờ những chính sách hỗ trợ thiết thực, giúp đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao thu nhập, hướng tới thoát nghèo bền vững. Với định hướng phát triển kinh tế gắn với tiềm năng sẵn có, chính quyền địa phương đã triển khai đồng bộ các chính sách như vay vốn ưu đãi, tập huấn kỹ thuật, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm và xây dựng thương hiệu nông sản – du lịch. Những giải pháp này không chỉ tạo động lực phát triển kinh tế hộ gia đình mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của toàn huyện.

Bà Chẩu Thị Khuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Lâm Bình, khẳng định: "Phát triển kinh tế bền vững là mục tiêu trọng tâm của huyện, trong đó nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ đóng vai trò chiến lược. Bằng cách đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi, huyện không chỉ nâng cao giá trị nông sản mà còn đảm bảo đầu ra ổn định, tạo nền tảng cho thương hiệu nông sản địa phương có sức cạnh tranh cao. Song song với đó, huyện khuyến khích người dân phát triển các mô hình kinh tế kết hợp, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khai thác hiệu quả tiềm năng thiên nhiên hoang sơ và bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc. Đây không chỉ là giải pháp tạo sinh kế bền vững mà còn góp phần đưa Lâm Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, thúc đấy kinh tế - xã hội địa phương phát triển toàn diện"

Những câu chuyện vươn lên làm giàu của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây không chỉ thể hiện tinh thần bền bỉ, sáng tạo mà còn mở ra hướng đi bền vững cho kinh tế - xã hội của địa phương. Với sự đồng hành của chính quyền, quyết tâm của người dân và tiềm năng sẵn có, Lâm Bình không chỉ từng bước thoát nghèo mà còn vươn lên trở thành vùng đất trù phú. Trong tương lai, nơi đây hứa hẹn sẽ trở thành điểm sáng về kinh tế xanh, du lịch cộng đồng, góp phần nâng cao đời sống và sự thịnh vượng của các dân tộc thiểu số trên chính quê hương mình.

Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang