Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang chủ trì cuộc họp.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có 121/137 Ban Quản lý các công trình thủy lợi cơ sở đảm bảo đủ điều kiện năng lực thực hiện nhiệm vụ quản lý, khai thác và bảo vệ 2.847 công trình thủy lợi, còn lại là 21 công trình thuộc 16 Ban Quản lý công trình thủy lợi cơ sở không bố trí được người có trình độ đào tạo chuyên môn về thủy lợi để quản lý, khai thác và bảo vệ công trình theo quy định. Danh sách 21 công trình gồm: Nà Vàng, Khuổi Luông, Noong Mò, Nà Heng 2, Nà Dầu, Khuổi Kheo, Nà Lừa, Kim Giao, Đèo Hoa, Khuôn Ninh, Khuổi Rua, Khuôn Giáng, Như Xuyên, Khe Thuyền, Cây Gạo, Hoa Lũng, Cây Sấu, Ngòi Cò, Cây Vải, Yên Hương, Kỳ Lãm.
Việc đề xuất giao bổ sung 21 công trình thủy lợi cho Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang quản lý, khai thác và bảo vệ nhằm đáp ứng yêu cầu năng lực của tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi theo quy định hiện hành của Nhà nước, đảm bảo công trình an toàn, phát huy hiệu quả, đáp ứng nguồn nước phục vụ sản xuất cho Nhân dân.
Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình bày báo cáo tại cuộc họp.
Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận, làm rõ sự cần thiết trong việc bàn giao các công trình thủy lợi cho Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang quản lý, khai thác và bảo vệ.
Kết luận cuộc họp, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thế Giang đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá thêm năng lực quản lý của đơn vị tiếp nhận; chủ trì, phối hợp với UBND huyện, thành phố đánh giá lại hiện trạng các công trình. Ban Quản lý khai thác công trình thủy lợi Tuyên Quang cần có phương án đảm bảo ổn định việc làm, thu nhập cho người lao động đang làm việc tại các công trình sau khi được bàn giao…/.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh