Phụ nữ Tày ở thôn Nà Tông, xã Thượng Lâm (Lâm Bình) đi dự ngày hội.
"Đại sứ văn hóa" của bản
Theo thống kê của Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Lâm Bình, toàn huyện hiện có gần 32 homestay hoạt động ổn định, tập trung chủ yếu tại các xã Lăng Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm, Hồng Quang… Điều đặc biệt là ở hầu hết các cơ sở lưu trú cộng đồng này, phụ nữ Tày chính là những người trực tiếp đảm nhận các công việc then chốt như đón tiếp du khách, chế biến món ăn truyền thống, biểu diễn văn nghệ dân gian và hướng dẫn du khách trải nghiệm đời sống bản địa.
Chị Hoàng Thị Tiện, chủ homestay ở xã Khuôn Hà, chia sẻ: Điều mà du khách mong muốn khi đến với bản làng là được trải nghiệm không gian sống, văn hóa và phong tục của người dân địa phương. Mà những giá trị ấy phần lớn được giữ gìn và truyền lại qua các thế hệ phụ nữ Tày, từ lời hát then, điệu hát cọi, món ăn truyền thống cho đến cách bày biện, tiếp đãi khách. Chính vì vậy, những người phụ nữ nơi đây không chỉ là người nội trợ trong gia đình mà còn trở thành những “đại sứ văn hóa” của bản làng. Họ sẵn sàng khoác lên mình bộ trang phục truyền thống thêu tay tinh xảo, đón khách bằng nụ cười thân thiện và mời khách những món ăn dân dã nhưng đậm đà bản sắc như cá suối nướng, lạp xưởng, xôi ngũ sắc, rượu men lá…
Chị Hứa Thị Phương, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Lâm Bình cho biết: Chúng tôi xác định phụ nữ địa phương là lực lượng nòng cốt trong phát triển du lịch cộng đồng. Do đó, việc trang bị kiến thức, kỹ năng làm du lịch một cách bài bản là điều cần thiết. Ngoài các lớp tập huấn, hội còn xây dựng và duy trì các câu lạc bộ "Phụ nữ Tày làm du lịch cộng đồng", thành lập các đội Văn nghệ dân gian tại các xã Phúc Yên, Lang Can, Khuôn Hà, Thượng Lâm... tạo sân chơi, không gian giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa các hội viên.
Đến nay, toàn huyện đã thành lập được 100 đội văn nghệ dân gian với hơn 140 hội viên tham gia. Đây không chỉ là nơi hỗ trợ nhau trong phát triển kinh tế mà còn đóng vai trò tích cực trong bảo tồn, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ truyền thống cho thế hệ trẻ.
Đưa đặc sản Tày thành thương hiệu hút khách
Bên cạnh gìn giữ văn hóa phi vật thể, phụ nữ Tày ở Lâm Bình còn khéo léo đưa các sản vật địa phương vào dịch vụ du lịch. Những món ăn truyền thống như thịt lợn đen gác bếp, cá nướng, măng chua, bánh nếp nhân chứng kiến, rượu men lá,… đều được chị em tự tay chế biến, giới thiệu với du khách. Nhiều sản phẩm đã trở thành đặc sản nổi tiếng, được khách hàng ưa chuộng và đặt mua làm quà sau mỗi chuyến đi.
Bánh nếp nhân trứng kiến (hay Péng Lăng Lay), món ăn độc đáo của đồng bào Tày tại Tuyên Quang.
Chị Lương Thị Xuyên, chủ homestay ở xã Lăng Can chia sẻ: Chúng tôi luôn ưu tiên sử dụng nguyên liệu sạch, tự nuôi trồng tại địa phương để chế biến món ăn cho khách. Có những đoàn khách quen, cứ mỗi mùa lễ hội lại gọi điện đặt trước các món như lạp xưởng hun khói, măng khô, rượu ngô… làm quà biếu người thân. Từ làm du lịch cộng đồng, gia đình tôi có thêm thu nhập đều đặn 150-200 triệu đồng mỗi năm.
Không dừng lại ở ẩm thực, nhiều chị em còn khéo léo phục dựng và quảng bá các nghề thủ công truyền thống như thêu khăn piêu, dệt vải chàm, làm túi thổ cẩm, vòng tay, móc khóa… để bán cho du khách. Đây vừa là nguồn thu nhập phụ, vừa góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa dân tộc Tày.
Du lịch cộng đồng từng là khái niệm xa lạ với người dân Lâm Bình nói chung và phụ nữ Tày nói riêng. Trước đây, đời sống chủ yếu gắn với nông - lâm nghiệp, chị em phụ nữ quanh năm gắn bó với ruộng nương, bếp núc, ít có cơ hội giao lưu, tiếp cận cái mới. Tuy nhiên, khi địa phương triển khai mô hình du lịch cộng đồng, nhiều chị em đã mạnh dạn thay đổi tư duy, tiếp cận và làm quen với cách làm kinh tế dịch vụ.
Sự thay đổi trong tư duy, cách làm kinh tế của phụ nữ Tày Lâm Bình không chỉ góp phần cải thiện thu nhập gia đình mà còn khẳng định vai trò, vị thế của người phụ nữ trong cộng đồng. Họ vừa là người giữ lửa cho gia đình, vừa là hạt nhân gìn giữ và lan tỏa bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời là chủ thể phát triển du lịch cộng đồng bền vững.
Theo ông Hoàng Tiến Dũng, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin huyện Lâm Bình, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục chú trọng đào tạo, nâng cao kỹ năng làm du lịch cho người dân, đặc biệt là phụ nữ các dân tộc thiểu số. Đồng thời, khuyến khích phát triển các sản phẩm du lịch đặc trưng như du lịch trải nghiệm bản làng, ẩm thực truyền thống, nghệ thuật dân gian, phục dựng lễ hội cổ truyền… với sự tham gia trực tiếp của phụ nữ địa phương. Đây chính là nền tảng quan trọng để phát triển du lịch bền vững ở Lâm Bình trong những năm tới.
Với sự năng động, sáng tạo và tinh thần gìn giữ bản sắc văn hóa, phụ nữ Tày ở Lâm Bình đang từng ngày khẳng định vai trò và đóng góp quan trọng vào sự phát triển của ngành du lịch cộng đồng địa phương. Họ không chỉ làm giàu cho bản thân, gia đình mà còn góp phần quảng bá hình ảnh quê hương Tuyên Quang giàu bản sắc đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh