Người dân thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi phát triển kinh tế từ chăn nuôi trâu.
Những năm gần đây, đời sống của người dân xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn đã có nhiều chuyển biến. Xã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Với phần đông bà con là người dân tộc thiểu số, trong đó chủ yếu là người Mông. Cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung công tác tuyên truyền, vận động, hướng dẫn nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, đặc biệt là phát triển kinh tế rừng, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, thay đổi phương thức sản xuất; huy động các nguồn lực hỗ trợ người dân về cây, con giống, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; tạo điều kiện giúp bà con vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế. Hiện toàn xã có trên 900 hộ nghèo, cận nghèo được tín chấp vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, với tổng dư nợ trên 45 tỷ đồng. Từ đó giúp người dân có nguồn vốn để đầu tư sản xuất, tăng thu nhập, từng bước vươn lên thoát nghèo.
Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, sự giúp đỡ của các hội, đoàn thể, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã thay đổi nhận thức, nỗ lực vươn lên thoát nghèo. Chị Giàng Thị Thu, dân tộc Mông ở thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn, trước đây cũng thuộc diện hộ nghèo. Năm 2019, chị được tạo điều kiện vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện với số tiền 50 triệu đồng, cộng với số vốn tích góp chị Thu đã đầu tư mua 3 máy may, 1 máy ép ly vải và 3 máy thêu về mở xưởng may trang phục dân tộc tại gia đình. Hiện, xưởng may của chị Thu tạo thêm việc làm cho 2 lao động thời vụ, với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, gia đình chị Thu còn đầu tư chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng trên 1 ha rừng... Vài năm trở lại đây, từ bán các sản phẩm may mặc và chăn nuôi, mỗi năm gia đình chị thu về trên 80 triệu đồng; nhờ đó, năm 2021, gia đình chị Thu đã vươn lên thoát nghèo và trở thành hộ khá của thôn.
Xưởng may của gia đình chị Giàng Thị Thu, thôn Nà Tang, xã Hùng Lợi.
Ông Sầm Văn Páo, Trưởng thôn Khuổi Ma, xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn cho biết: Thôn hiện có 67 hộ dân với 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống, 100% là hộ nghèo. Do đó, công tác giảm nghèo được coi là nhiệm vụ trọng tâm của thôn. Cán bộ thôn cùng với các đoàn thể đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân phát triển kinh tế rừng, đẩy mạnh chăn nuôi gia súc, bởi đây là thế mạnh của địa phương. Đến nay, mỗi hộ dân trong thôn đều trồng từ 4-5 ha rừng, toàn thôn có trên 300 ha rừng, 130 con trâu, bò, nhiều hộ phát triển kinh tế khá, như gia đình ông Lầu Văn Hành, Lý Văn Sinh, Sầm Văn Định…
Ông Páo khẳng định: "Chỉ thời gian ngắn nữa thôi, nhờ cần mẫn, chịu khó trong lao động sản xuất, trồng rừng, đi lao động tại các công ty trong, ngoài tỉnh và được sự đầu tư cơ sở đồng bộ thì cuộc sống của đồng bào Mông sẽ ngày một tốt hơn. Cuối năm 2023, thôn có 10 hộ thoát nghèo; 100% số hộ mua được xe máy, 30% hộ mua được tivi, tủ lạnh, bếp gas phục vụ sinh hoạt hàng ngày".
Với nhiều giải pháp thiết thực, năm 2023 xã giảm được 131 hộ nghèo, tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm 8%/năm. Ông Triệu Văn Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Lợi, huyện Yên Sơn chia sẻ, mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm cao nhưng Hùng Lợi vẫn còn là một xã nghèo, khó khăn, thu nhập bình quân đầu người còn thấp. Cấp ủy, chính quyền địa phương xác định nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới đó là: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho người dân; nhân rộng các mô hình kinh tế đem lại hiệu quả cao; tận dụng hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia, tạo sinh kế giúp người dân phát triển sản xuất, tăng thu nhập và giảm nghèo bền vững...
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh