Tổng Bí thư Tô Lâm tại buổi gặp mặt, nói chuyện với các cán bộ lão thành miền Trung - Tây Nguyên, TP Đà Nẵng ngày 28/3. Ảnh: Nguyễn Đông
Sau gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, khu vực kinh tế tư nhân của nước ta đã không ngừng lớn mạnh, trở thành một trong những động lực quan trọng đóng góp vào tăng trưởng kinh tế, tạo việc làm, xóa đói, giảm nghèo và ổn định đời sống xã hội. Theo số liệu của Bộ Chính trị, hiện cả nước có hơn 940 nghìn doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng tới 82% tổng số lao động. Đặc biệt, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã khẳng định được thương hiệu, vị thế và vươn ra thị trường khu vực, quốc tế.
Tuy đạt nhiều kết quả tích cực, kinh tế tư nhân hiện vẫn còn đối mặt với không ít rào cản và thách thức. Quy mô doanh nghiệp chủ yếu vẫn là siêu nhỏ, nhỏ và vừa; tiềm lực tài chính hạn chế; năng lực quản trị, trình độ khoa học công nghệ và khả năng đổi mới sáng tạo chưa cao; năng suất lao động và hiệu quả hoạt động còn thấp. Đáng chú ý, tư duy kinh doanh thiếu tầm nhìn chiến lược, thiếu kết nối với các doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Một số nguyên nhân căn bản được chỉ ra gồm: Tư duy, nhận thức về vị trí, vai trò của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế chưa thực sự đầy đủ, đồng bộ; thể chế, chính sách, pháp luật còn tồn tại bất cập; quyền tài sản và quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp tư nhân chưa được bảo đảm đầy đủ; khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, đặc biệt là vốn, đất đai, công nghệ và nhân lực chất lượng cao; chi phí kinh doanh còn cao, chính sách hỗ trợ, ưu đãi chưa thực sự hiệu quả, khó tiếp cận.
Nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển đất nước theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII và đáp ứng yêu cầu phát triển trong kỷ nguyên mới, Bộ Chính trị yêu cầu tập trung đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động, xây dựng các giải pháp tổng thể, toàn diện và đột phá để phát huy mạnh mẽ vai trò của khu vực kinh tế tư nhân.
Theo Nghị quyết số 68, mục tiêu đến năm 2030, kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia, là lực lượng tiên phong trong phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Cụ thể, cả nước phấn đấu đạt 2 triệu doanh nghiệp hoạt động, tương đương 20 doanh nghiệp trên 1.000 dân; ít nhất 20 doanh nghiệp lớn tham gia các chuỗi giá trị toàn cầu; tốc độ tăng trưởng bình quân của khu vực này đạt 10-12%/năm - cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế.
Đồng thời, kinh tế tư nhân đóng góp khoảng 55-58% GDP, 35-40% tổng thu ngân sách nhà nước, tạo việc làm cho 84-85% tổng số lao động xã hội, năng suất lao động tăng bình quân khoảng 8,5-9,5%/năm. Về trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số phải đạt nhóm 3 nước dẫn đầu ASEAN và nhóm 5 nước hàng đầu khu vực châu Á.
Hướng đến năm 2045, Bộ Chính trị đặt mục tiêu kinh tế tư nhân phát triển nhanh, mạnh, bền vững; chủ động tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu; có năng lực cạnh tranh cao trong khu vực và quốc tế. Phấn đấu đến năm 2045 có ít nhất 3 triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động, đóng góp trên 60% GDP.
Cùng với đó, Nghị quyết số 68 xác định rõ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ về thể chế, cơ chế chính sách, môi trường kinh doanh, nguồn lực phát triển, cải cách hành chính và tăng cường năng lực quản trị doanh nghiệp… nhằm tạo đột phá mạnh mẽ, thực chất, hiệu quả cho kinh tế tư nhân trong những năm tới.
Thứ nhất là đổi mới tư duy, thống nhất cao về nhận thức và hành động, khơi dậy niềm tin, khát vọng dân tộc, tạo xung lực mới, khí thế mới để phát triển kinh tế tư nhân.
Thứ hai là đẩy mạnh cải cách thể chế, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, bảo đảm và bảo vệ hữu hiệu quyền sở hữu, quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền cạnh tranh bình đẳng của kinh tế tư nhân và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân.
Những nội dung quan trọng bao gồm việc đẩy mạnh cải cách, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế, chính sách; bảo đảm và bảo vệ quyền sở hữu, quyền tự do kinh doanh, quyền tài sản, quyền cạnh tranh bình đẳng và bảo đảm thực thi hợp đồng của kinh tế tư nhân; tuân thủ nguyên tắc phân định rõ trách nhiệm hình sự với hành chính, dân sự, giữa pháp nhân và cá nhân trong xử lý vi phạm.
Thứ ba là tạo thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận các nguồn lực về đất đai, vốn, nhân lực chất lượng cao. Nội dung quan trọng gồm tăng cường cơ hội tiếp cận đất đai, mặt bằng sản xuất kinh doanh cho kinh tế tư nhân; đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tư nhân.
Liên quan đến việc đẩy mạnh và đa dạng hóa nguồn vốn cho kinh tế tư nhân có ý quan trọng về việc đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, với thông điệp Nhà nước có cơ chế hỗ trợ lãi suất và khuyến khích các tổ chức tín dụng giảm lãi suất cho doanh nghiệp tư nhân vay để triển khai các dự án xanh, tuần hoàn và áp dụng khung tiêu chuẩn ESG (Môi trường - Xã hội - Quản trị).
Thứ tư là thúc đẩy khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh doanh hiệu quả, bền vững trong kinh tế tư nhân.
Thứ năm là tăng cường kết nôi giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp Nhà nước và doanh nghiệp FDI.
Thứ sáu là hình thành và phát triển nhanh các doanh nghiệp lớn và vừa, các tập đoàn kinh tế tư nhân tầm cỡ khu vực và toàn cầu.
Thứ bảy là hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh. Nghị quyết nêu ra giải pháp rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể, thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế đọ tài chính, kết toán đê khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp.
Cung cấp miễn phí các nền tảng số, phần mềm kết toán dùng chung, dịch vụ tư vấn pháp lý, đào tạo về quản trị doanh nghiệp, kế toán, thuế, nhân sự, pháp luật cho doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh.
Thứ tám là đề cao đạo đức kinh doanh, phát huy trách nhiệm xã hội, thúc đẩy mạnh mẽ tinh thần kinh doanh, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nhân tham gia quản trị đất nước.
Toàn văn Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân tại đây./.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh