Thực tế trong nhiều năm qua, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận từ tỉnh xuống cơ sở, việc tập trung các nguồn lực, trong đó đáng kể đến là nguồn vốn tín dụng chính sách, đã thực sự làm thay đổi diện mạo mọi làng quê miền núi và cuộc sống của đồng bào các dân tộc nơi đây.
Các hộ đồng bào DTTS đến giao dịch vay vốn tại Điểm giao dịch của NHCSXH huyện tại xã Thổ Bình.
Đơn cử như gia đình chị Đặng Thị Nga ở thôn Cây Thị, xã Đạo Viện (Yên Sơn) là điển hình sử dụng hiệu quả vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH). Chị Nga cho biết, đầu năm 2020, gia đình chị được Phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Sơn cho vay vốn 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo để đầu tư mua 2 con trâu sinh sản và chăm sóc 2 ha rừng keo của gia đình. Cuối năm 2023, rừng keo của gia đình chị được khai thác. Từ bán gỗ rừng trồng và bán 2 con nghé, gia đình chị thu về 160 triệu đồng. Nhờ đó gia đình chị đã vươn lên thoát nghèo. Không dừng lại ở đó, đến tháng 3/2024, chị Nga mạnh dạn vay thêm 100 triệu đồng từ chương trình hộ mới thoát nghèo để trồng trên 2 ha rừng và làm thêm dịch vụ vận tải.
Hiện tại, gia đình chị Nga đang chăn nuôi 3 con trâu và trồng, chăm sóc 10 ha rừng keo, đồng thời duy trì 1 xe ôtô để kinh doanh dịch vụ vận tải. Đến nay, gia đình chị Nga đã xây được nhà ở khang trang, trở thành hộ khá tại địa phương. Có khoản thu nhập ổn định không chỉ giúp gia đình thoát nghèo bền vững, mà còn vươn lên làm giàu.
Cùng với chuyển đổi nghề, đầu tư kinh tế thì nguồn vốn NHCSXH đã giúp nhiều hộ gia đình vượt khó, thoát nghèo. Gia đình chị Hà Thị Tập, thôn Khuổi Đấng, xã Linh Phú (Chiêm Hóa) trước đây thuộc diện hộ nghèo. Qua thời gian tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm sản xuất, năm 2021, chị Tập vay 50 triệu đồng từ NHCSXH thông qua tổ chức Hội Nông dân đầu tư vào chăn nuôi tổng hợp. Qua 3 năm, kinh tế gia đình chị Tập đã có nhiều thay đổi, gia đình chị có cuộc sống tốt hơn và hiện đã thoát nghèo.
Phó Chủ tịch UBND huyện Hàm Yên Ma Phúc Dự, Trưởng Ban đại diện HĐQT NHCSXH huyện khẳng định, việc đưa tín dụng chính sách đến người dân là mục tiêu trọng tâm nhằm giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới và đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn huyện. Đáng mừng là hoạt động tín dụng hiện đã phủ khắp các địa bàn dân cư, nhiều hộ không chỉ trả được nợ mà còn gửi tiết kiệm để góp phần bổ sung nguồn vốn quay vòng.
Nhiều hộ DTTS đã mạnh dạn vay vốn chính sách để mở rộng gia trại, phát triển chăn nuôi để từ đó thoát nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Hiện nay, Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang đang triển khai 17 chương trình tín dụng ưu đãi, phủ kín đến 100% thôn, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh với 137 điểm giao dịch xã, phường và hơn 2.370 Tổ tiết kiệm và vay vốn (TK&VV). Đến hết quý I/2025, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách của tỉnh đạt trên 4.691 tỷ đồng, tăng 150,4 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, tổng doanh số cho vay đạt 547,4 tỷ đồng, hỗ trợ cho 8.753 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận vốn ưu đãi. Tổng dư nợ các chương trình đến ngày 31/3 đạt 4.691,3 tỷ đồng, tăng 150,6 tỷ đồng (tăng trưởng 3,32%) với 99.150 khách hàng còn dư nợ. Chất lượng tín dụng tiếp tục được giữ vững, nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,26% tổng dư nợ, phản ánh sự hiệu quả và trách nhiệm trong quản lý vốn vay.
Doanh số cho vay chủ yếu tập trung ở một số chương trình tín dụng như: Cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, vay giải quyết việc làm, nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, xuất khẩu lao động, sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn… Qua đó, tạo điều kiện cho người nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu, đủ điều kiện được tiếp cận với nguồn vốn tín dụng chính sách một cách thuận lợi, kịp thời.
Ông Vũ Thế Anh, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cho biết, nhằm giúp các hộ đồng bào DTTS có vốn đẩy mạnh phát triển kinh tế, ngân hàng đã triển khai các các gói tín dụng theo chỉ đạo của Chính phủ, của tỉnh. Trong đó, tập trung ưu tiên nguồn vốn cho vay đối với hộ nghèo, hộ DTTS tại các xã đặc biệt khó khăn để người dân yên tâm sản xuất, kinh doanh, từng bước vươn lên thoát nghèo. Cùng với đó, NHCSXH luôn ưu tiên và tạo mọi điều kiện thuận lợi về con người, cơ sở vật chất, chính sách đặc thù về công tác cán bộ... cho các phòng giao dịch cấp huyện còn nhiều khó khăn, có đông đồng bào DTTS sinh sống để các đơn vị đó triển khai tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, bảo đảm nguồn vốn đến đúng các đối tượng thụ hưởng.
Chi nhánh NHCSXH tỉnh Tuyên Quang cũng đang tích cực tham mưu HĐND, UBND tỉnh tiếp tục bố trí nguồn vốn ngân sách địa phương để ủy thác qua ngân hàng, đáp ứng nhu cầu vay vốn cho các chương trình trọng điểm, như: Xóa nhà tạm, nhà dột nát; hỗ trợ người lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; nhà ở xã hội; tạo và mở rộng việc làm cho người dân... Vốn tín dụng CSXH đã làm thay đổi căn bản nhận thức của đồng bào DTTS từ mặc cảm, sợ vay, không dám vay nay đã mạnh dạn vay vốn và tập sự làm ăn có hiệu quả. Đồng thời, đã giúp giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu của cuộc sống trong vùng DTTS&MN, giúp cho đồng bào DTTS dần nâng cao chất lượng cuộc sống.
Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự tin tưởng và đồng hành của người dân, tín dụng chính sách xã hội tỉnh hứa hẹn tiếp tục là công cụ tài chính hữu hiệu, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo và xây dựng NTM...
Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh