Sức mạnh từ sự đồng thuận
Để triển khai thực hiện Đề án đảm bảo hiệu quả, đạt mục tiêu nghị quyết, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo sát sao việc thực hiện Đề án. Ban Chỉ đạo tỉnh và các huyện, thành phố được thành lập, phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng sở, ngành, địa phương. Hệ thống kế hoạch, hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án được ban hành đầy đủ, kịp thời. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch - cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh đã chủ động trong tham mưu, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai.
Việc phối hợp lồng ghép các nguồn vốn từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, cùng với sự đóng góp từ nhân dân, doanh nghiệp đã tạo nên nguồn lực mạnh mẽ để triển khai Đề án. Đặc biệt, một trong những yếu tố then chốt tạo nên thành công của Đề án chính là sự đồng thuận, đồng lòng của người dân. Từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, bà con nhân dân đã không ngần ngại hiến đất, góp công, góp của để cùng chính quyền hoàn thành mục tiêu chung.
Nhà văn hóa thôn An Mỹ, xã Hồng Sơn được xây dựng khang trang
Giai đoạn 2021-2025 Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp trên địa bàn tỉnh đã vận động Nhân dân đóng góp gần 30 tỷ đồng, hiến trên 11.427m2 đất, trên 42.500 ngày công lao động, tham gia xây dựng 214 nhà văn hóa, huy động Nhân dân cải tạo, trồng cây, hoa, chỉnh trang khuôn viên nhà văn hoá. Nhiều mô hình, tấm gương điển hình, những cách làm hay, sáng tạo, mang lại hiệu quả cao, tạo sự lan toả tích cực đã xuất hiện.
Tiêu biểu như tại thôn Bản Ba 2, xã Trung Hà đã huy động Nhân dân đóng góp 114 triệu đồng, 300 ngày công lao động, 226 cây tre làm giàn giáo, đồng thời kêu gọi xã hội hoá các cơ quan, cá nhân trong và ngoài xã để xây dựng nhà văn hoá theo mẫu nhà sàn truyền thống dân tộc Tày, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa; hộ gia đình ông Bàn Văn Choáng, Bí thư chi bộ, Trưởng thôn Phiêng Nghịu, xã Yên Hoa đi đầu hiến 260m2 đất của gia đình để xây dựng nhà văn hoá thôn, tích cực đi đến từng hộ để tuyên truyền vận động đóng góp trên 100 triệu đồng tiền mặt và góp ngày công lao động xây dựng; gia đình bà Phan Thị Kim, thôn Lũng, xã Mỹ Bằng (nay là phường Mỹ Lâm) ủng hộ trên 3 tỷ đồng xây dựng nhà văn hoá, sân thể thao và khuôn viên thôn; ông Tạ Văn Thủy, thôn 2 Minh Phú, xã Yên Phú hiến 100m2 đất để mở rộng đường, hỗ trợ 90m3 cát, đá để xây dựng đường đi vào nhà văn hóa thôn, hỗ trợ 02 ngày công máy đào cuốc, nhanh chóng chấp nhận chuyển nhượng cho thôn 500m2 đất của hộ gia đình với giá thấp để xây dựng khuôn viên nhà văn hóa...
Nhiều kết quả tích cực
Giai đoạn 2021-2025 tỉnh Tuyên Quang đã tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên, đảm bảo hoàn thành thực hiện tiêu chí số 6 và 16 về cơ sở vật chất văn hóa trong kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh.
Dự kiến hết năm 2025, toàn tỉnh có 1.474 nhà văn hoá thôn, tổ dân phố đạt chuẩn theo quy định của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (đạt 85%) vượt 5% so với mục tiêu Đề án. Quá trình triển khai đầu tư xây dựng thiết chế văn hoá được phân bổ hợp lý giữa các vùng, khu vực và các huyện, thành phố; đặc biệt chú trọng đầu tư xây dựng nhà văn hoá đối với các thôn khu vực vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số và ưu tiên đầu tư đối với các xã hoàn thành Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025.
Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai Đề án vẫn còn một số hạn chế như: Tiến độ triển khai thực hiện ở một số địa phương còn chậm. Việc kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện có lúc chưa kịp thời. Một số địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, bố trí quỹ đất thực hiện Đề án…
Trong thời gian tới, tỉnh sẽ tiếp tục nâng cao vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội về công tác dân tộc trong tình hình mới. Tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, phổ biến giáo dục pháp luật cho Nhân dân, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân để triển khai thực hiện Đề án.
Cùng với đó, đẩy mạnh tuyên truyền về Đề án trên các phương tiện thông tin đại chúng, tại các hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật; tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá việc triển khai thực hiện Đề án; triển khai thực hiện hiệu quả nguồn lực đầu tư xây dựng nhà văn hoá từ các Chương trình MTQG và nguồn vốn bố trí từ ngân sách tỉnh; chú trọng đầu tư các thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thôn thuộc các xã xây dựng nông thôn mới, thôn chưa có nhà văn hoá...
Thành công từ Đề án xây dựng nhà văn hóa thôn, tổ dân phố gắn với sân thể thao và khuôn viên tại Tuyên Quang không chỉ mang lại diện mạo mới cho nông thôn mà còn góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, chính quyền, tạo nền tảng vững chắc để tỉnh tiếp tục phát triển bền vững trong thời gian tới.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh