Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024

01/09/2024 - 10:53
963
Cỡ chữ:

Quy định mới về số lượng cấp phó trong đơn vị sự nghiệp công lập; tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số; thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.. là những chính sách nổi bật mới có hiệu lực từ tháng 9/2024.

Nhiều chính sách nổi bật có hiệu lực từ tháng 9/2024

Quy định mới về số lượng cấp phó trong đơn vị sự nghiệp công lập từ ngày 01/9/2024

Ngày 10/7/2024, Chính phủ ban hành Nghị định 83/2024/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 123/2016/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ đã được sửa đổi theo Nghị định 101/2020/NĐ-CP; Nghị định 10/2016/NĐ-CP quy định về cơ quan thuộc Chính phủ đã được sửa đổi theo Nghị định 47/2019/NĐ-CP và Nghị định 120/2020/NĐ-CP quy định về thành lập, tổ chức lại, giải thể đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong đó có sửa đổi quy định về số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập. Cụ thể, số lượng cấp phó của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập từ 01/9/2024 được quy định như sau:

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị; các đơn vị khác được thực hiện theo Đề án thành lập (trong trường hợp thành lập mới) hoặc Đề án tự chủ của đơn vị đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị; các đơn vị khác được bố trí không quá 03 người;

Đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm một phần chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước bảo đảm chi thường xuyên: Số lượng cấp phó của các đơn vị thuộc cơ cấu tổ chức của bộ, cơ quan ngang bộ được bố trí bình quân không quá 03 người trên một đơn vị.

Nghị định 83/2024/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 01/9/2024.

Quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số

Ngày 20/7/2024, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Thông tư 11/2024/TT-BYT quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số. Thông tư có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/9/2024.

Theo đó, Thông tư đã quy định cụ thể tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành y, dược, dân số; bao gồm:

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên chức danh Bác sĩ cao cấp (hạng I), Bác sĩ y học dự phòng cao cấp (hạng I), Y tế công cộng cao cấp (hạng I), Dược sĩ cao cấp (hạng I).

Tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng lên chức danh Bác sĩ chính (hạng II), Bác sĩ y học dự phòng chính (hạng II), Y tế công cộng chính (hạng II), Dược sĩ chính (hạng II), Điều dưỡng hạng II, Hộ sinh hạng II, Kỹ thuật y hạng II, Dinh dưỡng hạng II, Dân số viên hạng II.

Chính sách tín dụng về thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn

Ngày 15/7/2024, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định 10/2024/QĐ-TTg về tín dụng thực hiện cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Quyết định này quy định về chính sách tín dụng cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Quyết định 1978/QĐ-TTg ngày 24/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ để cho vay đầu tư xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa 2 loại công trình, bao gồm: Công trình cấp nước quy mô hộ gia đình; công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình.

Theo đó, đối tượng vay vốn là hộ gia đình cư trú tại vùng nông thôn (nơi đăng ký thường trú hoặc tạm trú) chưa có công trình cấp nước quy mô hộ gia đình, công trình vệ sinh môi trường hộ gia đình hoặc đã có nhưng bị hỏng, cần phải xây dựng mới, nâng cấp, cải tạo, sửa chữa.

Mức cho vay tối đa là 25 triệu đồng/1 loại công trình/khách hàng thay vì 10 triệu đồng như trước kia. Lãi suất cho vay 9,0%/năm; lãi suất nợ quá hạn bằng 130% lãi suất cho vay.

Thời hạn cho vay do Ngân hàng Chính sách xã hội thỏa thuận với khách hàng nhưng tối đa là 5 năm (60 tháng). Kỳ hạn trả nợ 12 tháng/kỳ.

Ngân hàng Chính sách xã hội là đơn vị thực hiện cho vay theo phương thức ủy thác qua các tổ chức chính trị - xã hội; đồng thời hướng dẫn về hồ sơ vay vốn, trình tự và thủ tục cho vay, kỳ hạn trả nợ, mức trả nợ đảm bảo đơn giản, rõ ràng, dễ thực hiện. 

Quyết định 10/2024/QĐ-TTg có hiệu lực từ 02/9/2024.

Quy định mới về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong doanh nghiệp nhà nước

Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH ban hành ngày 30/7/2024 có hiệu lực từ ngày 15/9/2024 bổ sung Điều 9a về thang lương, bảng lương, phụ cấp lương với người lao động trong công ty TNHH một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (doanh nghiệp nhà nước) được quy định như sau:

Căn cứ vào tổ chức sản xuất, tổ chức lao động, công ty rà soát và quyết định việc tiếp tục duy trì hoặc sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương (kèm theo tiêu chuẩn áp dụng), bảo đảm quy định tại khoản 2 Điều 9a Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH) làm cơ sở để xếp lương, trả lương và thực hiện các chế độ đối với người lao động theo quy định của pháp luật lao động.

Các mức lương trong thang, bảng lương, phụ cấp lương do công ty quyết định, bảo đảm quỹ tiền lương xác định trên cơ sở tổng tiền lương trong năm của tất cả người lao động tính theo các mức lương trong thang lương, bảng lương, phụ cấp lương của công ty không được vượt quá quỹ tiền lương kế hoạch của người lao động theo quy định tại Thông tư 26/2016/TT-BLĐTBXH (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 06/2024/TT-BLĐTBXH). Khi sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng, ban hành mới thang lương, bảng lương, phụ cấp lương, công ty phải tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, tổ chức đối thoại tại nơi làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành, báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu cho ý kiến và công khai tại công ty trước khi thực hiện.

Cơ sở chăn nuôi sẽ được hỗ trợ đến 1 tỷ đồng để xử lý chất thải chăn nuôi

Chính phủ ban hành Nghị định 106/2024/NĐ-CP ngày 01/8/2024 quy định cụ thể các chính sách hỗ trợ, khuyến khích nâng cao hiệu quả chăn nuôi bao gồm: hỗ trợ phối giống nhân tạo đối với trâu, bò, lợn; hỗ trợ mua đực giống trâu, bò, dê, cừu, lợn, hươu sao; hỗ trợ mua gà, vịt, ngan giống cấp bố mẹ và khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi.

Theo Nghị định này, tổ chức, cá nhân được hỗ trợ không quá 50% giá trị sản phẩm xử lý chất thải chăn nuôi nhằm khuyến khích áp dụng để xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ tối đa như sau: 05 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi nông hộ); 50 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 100 triệu đồng/cơ sở (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).

Đồng thời, hỗ trợ không quá 50% giá trị công trình khí sinh học nhằm khuyến khích xử lý chất thải chăn nuôi. Mức hỗ trợ tối đa như sau: 07 triệu đồng/công trình (chăn nuôi nông hộ); 300 triệu đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô nhỏ và vừa); 01 tỷ đồng/công trình (chăn nuôi trang trại quy mô lớn).

Nghị định trên có hiệu từ ngày 20/9/2024.

Thủ tục chuyển đổi công ty nhà nước thành công ty TNHH 1 thành viên do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ

Theo đó, Công ty nhà nước xây dựng Đề án chuyển đổi theo các nội dung quy định tại điểm a khoản 2 Điều 7 Nghị định 89/2024/NĐ-CP; Điều lệ của công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trình cơ quan đại diện chủ sở hữu xem xét, phê duyệt. Trên cơ sở đề xuất của công ty nhà nước, cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành Quyết định chuyển đổi (theo mẫu quy định tại Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định 89/2024/NĐ-CP).

Sau khi cơ quan đại diện chủ sở hữu ban hành Quyết định chuyển đổi, công ty nhà nước gửi hồ sơ đăng ký chuyển đổi theo quy định tại Điều 6 Nghị định 89/2024/NĐ-CP đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp tỉnh nơi công ty đặt trụ sở chính.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm xem xét tính hợp lệ của hồ sơ đăng ký doanh nghiệp và cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho doanh nghiệp, cập nhật thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp. 

Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ, Cơ quan đăng ký kinh doanh có trách nhiệm thông báo bằng văn bản nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho công ty nhà nước. Trường hợp từ chối cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp thì phải thông báo bằng văn bản cho công ty nhà nước và nêu rõ lý do.

Nghị định 89/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/9/2024. Nghị định 25/2010/NĐ-CP hết hiệu lực thi hành kể từ ngày Nghị định 89/2024/NĐ-CP có hiệu lực thi hành.

Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Tầng 2, Trung tâm Hội nghị tỉnh, số 219 đường Tân Trào, phường Phan Thiết, thành phố Tuyên Quang.
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang