Nhiều lợi thế về du lịch sau sáp nhập tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang

26/05/2025 - 11:05
898
Cỡ chữ:

Với tiềm năng sẵn có, tỉnh Tuyên Quang mới sau khi sáp nhập sẽ có nhiều lợi thế để phát triển ngành du lịch.

Danh thắng Cọc Vài, Hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình (Tuyên Quang). Ảnh Lê Hồng Đức

Ngày 28/4/2025, HĐND tỉnh Tuyên Quang đã thông qua Nghị quyết về chủ trương hợp nhất đơn vị hành chính tỉnh Tuyên Quang và tỉnh Hà Giang để thành lập tỉnh mới mang tên tỉnh Tuyên Quang. Trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Tuyên Quang hiện nay.

Tỉnh Tuyên Quang mới có quy mô diện tích gần 13.800 km2 và dân số trên 1,7 triệu người. Việc sáp nhập Tuyên Quang và Hà Giang được kỳ vọng sẽ tạo ra một sức mạnh tổng hợp, mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển của tỉnh mới, trong đó sẽ mở rộng không gian kinh tế và thu hút đầu tư, phát triển kinh tế, thu hút các nhà đầu tư lớn và triển khai các dự án có quy mô lớn. Sự kết hợp giữa tiềm năng du lịch sinh thái, lịch sử của Tuyên Quang và vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ gắn với bản sắc văn hóa độc đáo của Hà Giang sẽ tạo ra một sản phẩm du lịch phong phú và hấp dẫn hơn, thu hút du khách và tăng nguồn thu cho tỉnh.

Lễ hội thành Tuyên thu hút hàng nghìn du khách. Ảnh Quang Minh

Năm 2024, Tuyên Quang đón trên 2,8 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt 3.700 tỉ đồng. Với hơn 650 di tích lịch sử, cách mạng, văn hóa, danh thắng, trong đó có 182 di tích đã được xếp hạng quốc gia. Tuyên Quang còn được biết đến có Lễ hội Thành Tuyên - Một lễ hội Trung thu độc đáo, đặc sắc, riêng có của tỉnh; Lễ hội được tổ chức hoành tráng, lớn nhất cả nước, có hàng trăm mô hình đèn trung thu khổng lồ, lung linh, rực rỡ sắc màu, với nhiều kỷ lục Guinness: "Đêm hội Trung thu có nhiều mô hình đèn lớn nhất Việt Nam", "Mâm cỗ Trung thu lớn nhất Việt Nam" và "Cặp đèn kéo quân lớn nhất Việt Nam". Lễ hội diễn ra hằng năm vào dịp Trung thu, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước.

Quý 1/2025, Tuyên Quang đã đón khoảng 957.000 lượt khách du lịch, đạt 32% kế hoạch năm và tăng 4% so với cùng kỳ năm trước. Tổng doanh thu từ hoạt động du lịch trong quý 1 năm 2025 đạt 1.288 tỷ đồng, đạt 27% kế hoạch năm và tăng 19% so với cùng kỳ năm trước. Tỉnh Tuyên Quang đặt mục tiêu đón 3 triệu lượt khách du lịch và tổng doanh thu từ du lịch đạt 4.800 tỷ đồng trong năm 2025.

Ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì (Hà Giang). Ảnh sưu tầm

Còn tại Hà Giang, năm 2024 địa phương này đón 3,2 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 8.150 tỉ đồng. Cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ cùng sự độc đáo của văn hóa là điểm nhấn giúp du lịch Hà Giang phát triển, thu hút nhiều du khách quốc tế. Hiện nay địa phương tập trung vào các loại hình chính gồm: Du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch thể thao - mạo hiểm... Các sản phẩm được khai thác kéo dài quanh năm, khắc phục hoàn toàn tính mùa vụ.

Năm 2023, Tổ chức giải thưởng Du lịch Thế giới đã vinh danh Hà Giang là "Điểm đến du lịch mới nổi hàng đầu châu Á năm 2023". Đến năm 2024 địa phương này tiếp tục được đề cử ở hạng mục "Điểm đến văn hóa khu vực hàng đầu châu Á".

Sông Nho Quế (Hà Giang). Ảnh sưu tầm

Cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có những dãy núi tai mèo trùng điệp, sở hữu khung cảnh hùng vĩ, hoang sơ; Mã Pì Lèng, một trong "tứ đại đỉnh đèo" của Việt Nam, nổi bật với những khúc cua hiểm trở và tầm nhìn bao quát dòng Nho Quế xanh ngọc; Phố cổ Đồng Văn với lối kiến trúc độc đáo hay mùa hoa tam giác mạch bạt ngàn cũng là điểm nhấn du lịch cho vùng đất địa đầu Tổ quốc.

Trong quý I/2025, lượng khách du lịch đến Hà Giang đạt 848.350 lượt người (trong đó, khách quốc tế 107.888 lượt, khách nội địa 740.462 lượt), tương đương so với cùng kỳ 2024, đạt 24,2% kế hoạch năm. Tổng chi tiêu khách du lịch trên địa bàn ước đạt 2.280,8 tỷ đồng.

Sau sáp nhập, sự kết hợp giữa các loại hình du lịch của Tuyên Quang và Hà Giang sẽ hình thành 1 trục phát triển xuyên suốt từ "chiến khu cách mạng" đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy. Hiện nay, Tuyên Quang đã hoàn thiện và đưa vào khai thác tuyến cao tốc kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai cuối năm 2023. Tháo gỡ được điểm nghẽn về giao thông đối ngoại của Tuyên Quang, giúp giảm tải cho tuyến Quốc lộ 2 và rút ngắn thời gian di chuyển từ Tuyên Quang về Thủ đô Hà Nội và tăng cường kết nối giữa các tỉnh trong khu vực miền núi phía Bắc.

Tuyến cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang dự kiến hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng cuối năm 2025 có tổng chiều dài 105km với  tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng. Dự án nhằm kết nối Tuyên Quang, Hà Giang với đường cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa ngày càng tăng cao, giải quyết được những điểm nghẽn về giao thông liên vùng, nội vùng của tỉnh Tuyên Quang mới sau sáp nhập. Hình thành trục kết nối nhanh, kết nối vùng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh; đây được cho là một lợi thế thúc đẩy tiềm năng du lịch...

Theo công bố của Chi cục Thống kê tỉnh Tuyên Quang, tốc độ tăng trưởng GRDP của tỉnh trong quý I tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2024, đứng thứ 11/63 tỉnh, thành phố trên cả nước và đứng thứ 4/14 tỉnh trung du và miền núi phía Bắc./.

Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh

bình luận

Tìm kiếm
QuocHuy.8ead5971.png

CỔNG THÔNG TIN ĐIỆN TỬ TỈNH TUYÊN QUANG

Giấy phép xuất bản số: 142/GP-TTĐT ngày 19/12/2023 của Sở Thông tin và Truyền thông.
Chịu trách nhiệm chính: Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban biên tập
Trụ sở: Văn phòng UBND tỉnh Tuyên Quang, số 160, đường Trần Hưng Đạo, phường Minh Xuân, thành phố Tuyên Quang
Điện thoại: 0207.6251.929
© Bản quyền thuộc Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang.

Ghi rõ nguồn 'Cổng Thông tin điện tử tỉnh Tuyên Quang' hoặc 'tuyenquang.gov.vn' khi phát hành lại thông tin từ các nguồn này.

 

Thống kê truy cập
Số người online:
1
Số lượt truy cập tháng:
1
Số lượt truy cập năm:
1
Tổng số truy cập:
1
Chung nhan Tin Nhiem Mang