Từ các nguồn lực vận động được, các phong trào thiết thực như Quỹ “Vì người nghèo”, “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi”, “Thanh niên khởi nghiệp”... đã được triển khai hiệu quả. Điểm nổi bật là các tổ chức không chỉ dừng lại ở hoạt động hỗ trợ vật chất, mà ngày càng chú trọng đến việc giúp người dân thay đổi tư duy sản xuất, phát triển sinh kế bền vững, thoát nghèo bằng chính sức lao động của mình.
Chia sẻ về cách làm của địa phương, bà Đinh Thị Hạnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sơn Dương cho biết: “Chúng tôi luôn xác định phải tiếp cận từng hoàn cảnh, nắm rõ nhu cầu thực tế của hội viên nghèo, từ đó hỗ trợ đúng người, đúng việc và lâu dài. Không chỉ giúp vốn, mà còn tập huấn kỹ thuật, hướng dẫn lập kế hoạch sản xuất và đặc biệt là tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.”
Các cơ sở Hội tại Chiêm Hóa luôn chủ động phối hợp cùng các tổ chức đoàn thể ở địa phương tham gia giúp đỡ các hộ làm nhà, sửa nhà bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ hội viên
Giai đoạn 2021-2025, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đã tổ chức hàng chục lớp tập huấn, hội nghị truyền thông khởi nghiệp, thành lập mới hợp tác xã do phụ nữ làm chủ và duy trì trên 400 mô hình kinh tế có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên. Nhờ đó, nhiều phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã từng bước thoát nghèo, vươn lên làm chủ cuộc sống.
Song song với phụ nữ, lực lượng đoàn viên, thanh niên cũng tích cực tham gia công cuộc giảm nghèo với nhiều hình thức phong phú. Bà Dương Minh Nguyệt, Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang khẳng định: “Chúng tôi xác định rõ vai trò của tuổi trẻ không chỉ là xung kích trong các phong trào tình nguyện mà còn đồng hành với người nghèo bằng những hành động thiết thực: hỗ trợ xây dựng nhà ở, tổ chức đào tạo nghề, kết nối với doanh nghiệp tạo việc làm, triển khai các mô hình kinh tế thanh niên.”
Kết quả đến nay, toàn tỉnh đã xây dựng được 150 ngôi nhà nhân ái, trị giá trên 11 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 150 hộ thanh niên thoát nghèo, tổ chức hàng chục phiên giao dịch việc làm tư vấn cho hàng vạn lượt lao động nông thôn. Nhờ đó, không ít thanh niên nghèo, người yếu thế tại các địa phương khó khăn đã có việc làm ổn định, tăng thu nhập cho gia đình.
Hội Cựu chiến binh các cấp cũng là một lực lượng tích cực đồng hành cùng người dân. Phong trào “Cựu chiến binh giúp nhau xóa đói giảm nghèo, làm kinh tế giỏi” đã thực sự phát huy hiệu quả. Ông Quân Ngọc Tuấn, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Tân Mỹ, huyện Chiêm Hóa cho biết: “Chúng tôi thường xuyên vận động hội viên giúp nhau về giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất. Đồng thời kết nối với ngân hàng để hội viên tiếp cận vốn vay ưu đãi, phát triển chăn nuôi, trồng trọt.”
Các hội viên CCB tại xã Vinh Quang (Chiêm Hóa) chia sẻ mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả, thu nhập cao cho gia đình
Những năm gần đây, từ sự hỗ trợ, hướng dẫn của các tổ chức đoàn thể, nhiều mô hình sản xuất hiệu quả đã được hình thành. Gia đình bà Nguyễn Thị Huệ ở xã Tràng Đà (TP Tuyên Quang) với mô hình trồng ngô sinh khối, dưa lê, bí đỏ, nuôi ong mật và ốc nhồi, thu về thu nhập 350-400 triệu đồng mỗi năm. Ông Lã Hoàng Anh ở phường An Tường cũng từng là hộ nghèo, nhờ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để nuôi 7.000 con gà đẻ trứng, đến nay kinh tế gia đình đã ổn định, có tích lũy và tiếp tục mở rộng sản xuất.
Tại huyện vùng cao Lâm Bình, các mô hình nuôi dê, nuôi cá đặc sản, chăn nuôi kết hợp trồng cây dược liệu của nhiều hộ dân cũng đang trở thành điểm sáng trong phong trào phát triển kinh tế hộ gia đình, không chỉ giảm nghèo mà còn tạo ra vùng sản phẩm đặc trưng cho địa phương.
Không chỉ hỗ trợ về kinh tế, các tổ chức chính trị - xã hội còn phát huy tốt vai trò giám sát, phản biện trong thực hiện chính sách giảm nghèo. Theo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tuyên Quang, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã làm mới và sửa chữa hơn 7.000 căn nhà cho hộ nghèo với tổng kinh phí trên 911 tỷ đồng; vận động Quỹ “Vì người nghèo” được hơn 25 tỷ đồng. Ngoài ra, các tổ chức còn trợ giúp hàng nghìn suất quà, học bổng, thẻ bảo hiểm y tế, tổ chức khám chữa bệnh nhân đạo… kịp thời hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn.
Có thể khẳng định, kết quả giảm nghèo của Tuyên Quang thời gian qua là minh chứng rõ ràng cho hiệu quả của việc huy động sức mạnh cộng đồng và vai trò nòng cốt của các tổ chức chính trị - xã hội. Họ chính là “cánh tay nối dài” của cấp ủy, chính quyền, trực tiếp hỗ trợ người dân ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững. Sự đồng lòng, chung sức ấy không chỉ giúp hàng nghìn hộ nghèo có cuộc sống tốt hơn, mà còn góp phần xây dựng nền tảng vững chắc để tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phát triển nhanh, bền vững trong thời gian tới.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh