Thực hiện chương trình CĐS, đến nay tỉnh Tuyên Quang đã thành lập 1.871 tổ CNSCĐ với tổng số thành viên 10.257. Lực lượng chủ yếu là đoàn viên thanh niên, các tổ chức chính trị, xã hội và cán bộ thôn, xã. Đây được xem là cánh tay nối dài của Ban chỉ đạo chuyển đổi số ở cấp xã.
Thành viên tổ CNSCĐ tổ dân phố Khau Quang, TT Lăng Can (Lâm Bình) hướng dẫn người dân cài đặt các phần mềm tiện ích trên điện thoại.
Ông Đặng Văn Hùng, thành viên tổ CNSCĐ, tổ dân phố Khau Quang, thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) cho biết: Các thành viên trong tổ đã tích cực tham gia các lớp tập huấn về CĐS; tích cực đến các gia đình để hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số. Mục tiêu mà tổ CNSCĐ đặt ra đó là, mỗi một gia đình có ít nhất một người biết sử dụng thành thạo các ứng dụng công nghệ trên thiết bị điện thoại thông minh, từ đó họ sẽ là những tuyên truyền viên tích cực để hướng dẫn các thành viên khác trong gia đình thực hiện.
Việc "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, hướng dẫn người dân sử dụng công nghệ số chính là giải pháp quan trọng giúp các tổ CNSCĐ phổ cập kỹ năng số tới từng người dân. Đây được xem là cách làm hiệu quả để thay đổi nhận thức về CĐS của mỗi người dân.
Thành viên tổ CNSCĐ xã Trung Hòa (Chiêm Hóa) hướng dẫn người dân cài đặt sử dụng app Nông dân Việt Nam trên điện thoại.
Được các thành viên tuyên truyền về CĐS, anh Nguyễn Văn Nội ở tổ dân phố Nà Khà, thị trấn Lăng Can đã hiểu hơn về lợi ích mà CĐS đem lại. Anh Nội chia sẻ: Đối với tôi, việc tham gia CĐS mang lại rất nhiều thuận lợi, đơn cử như hiện nay, ở bất cứ đâu, chỉ cần có điện thoại thông minh kết nối mạng internet, là tôi đã có thể thanh toán tiền điện, tiền nước qua app của ngân hàng.
Ông Nguyễn Văn Hiến, Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông cho biết: Từ giữa năm 2022, các tổ CNSCĐ cấp xã, thôn được thành lập trên địa bàn toàn tỉnh nhằm hỗ trợ triển khai nền tảng số, công nghệ số, hướng dẫn kỹ năng số đến với người dân. Đây được xem là lực lượng nòng cốt ở cơ sở để đưa nền tảng số, công nghệ số, kỹ năng số đến người dân. Để nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ CNSCĐ, ngay sau khi các tổ được thành lập, Sở phối hợp các huyện, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn, các doanh nghiệp viễn thông trên địa bàn tỉnh tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn kiến thức, kỹ năng số cho các thành viên, đảm bảo các thành viên là những người ứng dụng thành thạo công nghệ trước khi trở thành tuyên truyền viên đưa công nghệ số đến người dân.
Hiệp Hội Doanh nghiệp huyện Hàm Yên tập huấn kiến thức về CĐS giới thiệu giải pháp công nghệ DES DT.
Để tổ CNSCĐ đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần đưa công nghệ số vào mọi ngõ ngách cuộc sống, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các doanh nghiệp tổ chức tập huấn, hướng dẫn nâng cao năng lực về CĐS cho các thành viên tổ CNSCĐ; cung cấp các tài liệu hướng dẫn cài đặt, sử dụng từng ứng dụng số để tuyên truyền, hướng dẫn trực tiếp người dân cài đặt, sử dụng...
Với sự nhiệt tình, trách nhiệm, tổ CNSCĐ ở các địa phương đã tổ chức hướng dẫn người dân cài đặt, sử dụng dịch vụ số phục vụ các nhu cầu thiết yếu như y tế, thanh toán điện nước, hướng dẫn lập tài khoản và nộp hồ sơ dịch vụ công trực tuyến, tải và sử dụng ứng dụng VNEID; tổ chức tuyên truyền về CĐS, hướng dẫn các hộ kinh doanh và người dân đăng ký và thanh toán không dùng tiền mặt. Qua đó, người dân và các hộ kinh doanh sử dụng các ứng dụng thông minh phục vụ công việc và cuộc sống.
Người dân sử dụng điện thoại quét mã QR code trong giải quyết thủ tục hành chính.
Hoạt động của tổ CNSCĐ trong thời gian qua đã cho thấy đây thực sự là "cánh tay nối dài" của Ban Chỉ đạo CĐS các cấp, là giải pháp quan trọng phát huy sức mạnh của toàn dân tham gia vào quá trình CĐS. Đây cũng là một trong những giải pháp mang tính đột phá mà các địa phương trong tỉnh đã và đang triển khai, qua đó góp phần tạo sự lan tỏa, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh