Đoàn phường Tân Quang (TP Tuyên Quang) hướng dẫn tiểu thương tại chợ Tam Cờ sử dụng quét mã QR chuyển tiền không dùng tiền mặt.
Thời gian qua, đoàn thành niên các cấp trên địa bàn thành phố Tuyên Quang đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền về chủ trương, kế hoạch thực hiện mô hình chợ 4.0 thanh toán không dùng tiền mặt đến tất cả hộ kinh doanh. Đồng thời, phối hợp hệ thống ngân hàng bố trí nhân sự phục vụ tiểu thương ngay tại chợ, hỗ trợ các hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố trong kê khai các giấy tờ, thủ tục mở tài khoản ngân hàng và cài đặt app trên điện thoại.
Đến nay 100% hộ kinh doanh tại chợ Tam Cờ, thành phố Tuyên Quang đã mở tài khoản, thanh toán không dùng tiền mặt. Bà Nguyễn Thị Năm một tiểu thương ở chợ Tam Cờ cho biết, trước khi sử dụng thanh toán số, bà rất băn khoăn và ngại thay đổi vì nghĩ thanh toán số khó làm, tuổi bà cũng đã cao nên có thể gây nhầm lẫn hoặc làm chậm, khiến khách hàng không vừa lòng. Tuy nhiên, sau khi được đoàn viên, thanh niên phường Tân Quang và Ban Quản lý chợ hướng dẫn một cách dễ dàng, dễ hiểu, dễ sử dụng, bà Năm đã giao dịch mua bán đến vài chục triệu đồng. Việc sử dụng quét mã QR và chuyển tiền không dùng tiền mặt khiến bà yên tâm hơn rất nhiều. Cũng theo bà Năm, dịch vụ này rất tiện lợi vừa không lo nguy cơ tiền giả, lại không mất thời gian chuẩn bị tiền trả lại, không cần phải cầm nhiều tiền mặt. Đồng thời cũng thuận tiện trong việc trả tiền hàng cho các mối giao buôn.
100% tiểu thương tại chợ Tam Cờ sử dụng hình thức thanh toán bằng cách quét mã QR.
"Từ ngày áp dụng hình thức thanh toán không dùng tiền mặt các khách hàng của chị đều ủng hộ. Ban đầu, cũng có người còn bỡ ngỡ, cảm thấy khó chịu nhưng đến lần mua sau đó thì họ cũng sử dụng hình thức thanh toán này. Với hình thức thanh toán quét mã QR hoặc chuyển tiền qua số điện thoại trên ứng dụng Viettel Money, đến cuối ngày chúng tôi sẽ chủ động nắm bắt được ngay các khoản thu chi trong ngày, không phải tính toán thủ công như trước, việc sử dụng lại rất tiện và đơn giản", chị Trần Thị Hằng tiểu thương tại Chợ Tam Cờ cho biết.
Theo chị Phạm Thị Bích Hường, Bí thư Thành đoàn Tuyên Quang, hiện nay trên địa bàn thành phố đang duy trì hoạt động của hơn 200 tổ “công nghệ số cộng đồng”, trong đó lực lượng đoàn viên, thanh niên có vai trò nòng cốt. Các thành viên trong tổ đã phát huy vai trò xung kích, tình nguyện của tuổi trẻ, tổ chức ra quân hướng dẫn người dân đăng ký sử dụng chính quyền số tại tỉnh Tuyên Quang, thanh toán không dùng tiền mặt, thao tác tạo tài khoản Cổng Dịch vụ công quốc gia và cách thức quản lý, cập nhật thông tin, dữ liệu cá nhân, sử dụng tài khoản để thực hiện thủ tục hành chính; hỗ trợ người dân triển khai chuyển đổi số Mã QR code tại các hộ kinh doanh.
Đoàn phường Minh Xuân (TP Tuyên Quang) hướng dẫn người dân đăng ký mở tài khoản sử dụng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán trực tuyến, sử dụng ứng dụng VNeiD, Tuyên Quang ID, VssID…
Toàn tỉnh hiện có 1.733 Tổ công nghệ số ở thôn, tổ dân phố; 138 tổ công nghệ số cấp xã với tổng số trên 10 nghìn thành viên. Ở cấp xã, tổ trưởng tổ công nghệ số là Chủ tịch UBND cấp xã hoặc Bí thư Đoàn cấp xã, còn ở cấp thôn do trưởng thôn làm tổ trưởng, bí thư chi đoàn làm tổ phó. Cách sử dụng tài khoản định danh điện tử VneID, sổ sức khỏe điện tử, tra cứu bảo hiểm y tế; tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến tiền nước, học phí.… giờ đây đã không còn xa lạ với người dân, bởi có sự hỗ trợ, hướng dẫn nhiệt tình, trách nhiệm của lực lượng đoàn viên, thanh niên.
Phó Bí thư Tỉnh đoàn Tuyên Quang Hoàng Trần Trung cho biết: Xác định chuyển đổi số là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, Ban Thường vụ Tỉnh Đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn triển khai các nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số vào quá trình công tác, thực hiện nhiệm vụ chuyên môn...
Thông qua hệ thống tuyên truyền của tổ chức Đoàn các cấp đã góp phần hướng dẫn tích cực cho nhân dân về chuyển đổi số. Ứng dụng công nghệ số đã góp phần phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; tuyên truyền và nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt, việc tốt trong đoàn viên thanh niên; chia sẻ, quảng bá hình ảnh đẹp về các khu di tích, khu du lịch, quảng bá các sản phẩm OCOP của tỉnh… Từ đó, góp phần đẩy mạnh phát triển du lịch và kinh tế - xã hội của địa phương.
Bằng những hoạt động thiết thực, ý nghĩa, vai trò của tổ chức Đoàn và tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong thực hiện chuyển đổi số đã và đang được thể hiện rõ nét, tạo hiệu ứng lan tỏa trong cộng đồng xã hội.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh