Vào thời điểm này, hoa lê đang nở rộ với vẻ đẹp tuyệt vời. Ảnh: Minh Phụng
Thôi thúc du khách
Trước đây gần một tháng, trên mạng xã hội đã tràn ngập ảnh về mùa hoa lê Hồng Thái. Điều đó cho thấy sự quan tâm, mong chờ của du khách vào mùa hoa lê năm nay. Chị Nguyễn Minh Tâm ở quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, chị biết về lễ hội hoa lê ở xã Hồng Thái mấy năm nay, nhưng chưa có dịp nào lên đó. Năm nay chị bàn với chồng, con và một số bạn bè tổ chức một tua du lịch lên Hồng Thái. Qua những cuộc điện thoại với chủ homestay bản địa, chị Tâm cập nhật chỗ ăn ngủ, thời tiết, thời gian nở rộ nhất của hoa lê, rồi chọn ngày, chốt lịch.
Đến ngày lên đường, 3 chiếc xe con nối đuôi nhau lên Hồng Thái. Chị Tâm kể, chưa bao giờ lên Tuyên Quang sướng như bây giờ. Xe chạy bon bon trên tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai đến nút ra IC9, rồi tìm hướng cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang mới được khánh thành thẳng tiến. Từ Hà Nội lên thành phố Tuyên Quang mất khoảng 2 giờ xe chạy, còn sớm đoàn tiếp tục hành trình lên thị trấn Na Hang khoảng 110 km, cũng khoảng hơn 2 giờ đồng hồ. Hơn 10 giờ sáng ở trung tâm huyện Na Hang mây vẫn còn giăng vờn đỉnh núi Pác Tạ.
Du khách trong trang phục dân tộc địa phương.
Sau ít phút nghỉ chân uống nước, thư giãn, đoàn háo hức lên Hồng Thái sớm. Đoạn này đường nhựa hơi cua, song phong cảnh đẹp, cả đoàn đi chậm để bảo đảm an toàn, vừa có thời gian ngắm cảnh ven hồ. Vào mùa xuân đi vùng cao, du khách đều có cảm giác lâng lâng khó tả, bởi khung cảnh thiên nhiên chuyển mùa thật đẹp. Những rừng cây thay lá mới đầy màu sắc, hòa quyện vào ngút ngàn rừng hoa lau, chít hai ven đường nom rất lạ mắt.
Từ thị trấn Na Hang lên xã Hồng Thái tầm hơn 50 km, song mất khoảng 9 km xe phải “bò” dốc cao. Ít người tưởng tượng được rằng, muốn lên Hồng Thái ở độ cao trên 1.200 m so với mực nước biển, xe của họ phải leo lên tận đỉnh núi cao. Điều thuận lợi trong mùa hoa lê này là con đường từ xã Đà Vị lên xã Hồng Thái mới được nâng cấp, bảo đảm đi lại thông suốt, an toàn. Vào đúng ngày nghỉ cuối tuần, nhiều đoàn xe nối đuôi nhau lên Hồng Thái, tạo ra khung cảnh vui tươi, nhộn nhịp hơn ngày thường.
Cả đoàn của chị Tâm xuống xe vươn mình, cảm nhận cái không khí trong lành, thoáng đãng, pha chút gió lạnh của vùng cao. Ở đây phóng tầm mắt xa xa du khách thấy những dãy núi cao, nơi phân chia ranh giới “phân thủy” giữa tỉnh Bắc Kạn và Tuyên Quang. Nước mưa chảy bên này núi là đất Tuyên Quang, chảy bên kia núi là đất Bắc Kạn. Đứng giữa khung cảnh trời đất bao la, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ, con người địa phương mộc mạc, giản dị, giàu bàn sắc ai cũng có cảm giác thích thú.
Sau bữa trưa với mâm cơm mẹt có nhiều món ăn ấn tượng của homestay địa phương, cả đoàn “tăng bo” lên vườn lê thôn Khau Tràng bằng xe ôm. Theo chị Tâm, với vườn lê đẹp như này, chủ vườn thu 20.000 đồng cho một người chụp ảnh thoải mái thì rất phù hợp rồi. Do đây là lần đầu tiên đoàn của chị Tâm nhìn thấy vườn lê đẹp như này nên ai cũng ngỡ ngàng. Phải nói vẻ đẹp của hoa lê có sắc thái riêng. So với cây mận và cây đào, cây lê to cao hơn nhiều.
Có cây vài chục năm tuổi rồi, cành cây xù xì, khúc khuỷu. Qua một mùa đông lạnh buốt nơi đây, đến mùa xuân cây lê rụng lá, nhú nụ, bung hoa. Hoa lê có 5 cánh trắng muốt, tạo hình họa cân đối đẹp, hàng nghìn cây lê bung hoa như vậy, tạo ra vườn lê như một dải “pha lê khổng lồ”. Ai cũng tạo dáng chụp ảnh, quay video không biết chán.
Những góc máy đẹp nhất được các thành viên lựa chọn, kịp lưu lại những khoảnh khắc vàng. Ngoài trang phục mang đi, các thành viên, nhất là các bà, các chị, các em đều chọn thuê trang phục người Dao Tiền truyền thống của địa phương để chụp ảnh. Không chỉ chụp ở vườn lê thôn Khau Tràng, đoàn còn check - in ở tuyến đường hoa lê dài nhất Việt Nam, vườn lê thôn Nà Mụ.
Chú trọng quy hoạch
Xã Hồng Thái được xác định là trọng điểm du lịch của huyện, của tỉnh. Nơi đây được xây dựng sản phẩm du lịch 4 mùa. Mùa xuân mùa của hoa lê, mùa hạ là mùa con nước đổ, mùa thu là mùa của ruộng bậc thang lúa chín vàng, mùa đông mùa săn mây. Huyện Na Hang đã quy hoạch thôn Khau Tràng là Làng văn hóa du lịch cộng đồng. Ở đây người dân bảo tồn ngôi nhà gỗ, mái ngói âm dương, phong tục, tập quán của người Dao Tiền. Đoàn du khách của chị Tâm bên cạnh hoạt động chính là tham quan, trải nghiệm tại các vườn hoa lê còn được xem nhảy lửa, hoạt động thêu thùa, ẩm thực, thưởng thức chè Shan tuyết của bà con nơi đây.
Anh Đinh Mạnh Đoàn, một thành viên du khách trong đoàn cho biết, anh thực sự ấn tượng với hệ thống nhà ngói âm dương ở thôn Khau Tràng được bảo tồn, đang phát huy. Hồng Thái nhìn tổng thể rất đẹp, còn nhiều tiềm năng để khai thác cả ở phong cảnh, khí hậu, bản sắc văn hóa dân tộc, ẩm thực. Tuy nhiên, trước sự phát triển nhanh chóng, nếu không có công tác quy hoạch tốt Hồng Thái dễ rơi vào tình trạng mất dần sự giản dị, hoang sơ vốn có như một số điểm, khu du lịch khác ở một số tỉnh, thành phố.
Nhiều nhà xây hiện đại, mái tôn mọc lên dễ phá vỡ cảnh quan nơi đây. Các vườn lê cũng vậy, chủ vườn nên để vườn tự nhiên, với các tảng đá tự nhiên, tránh làm các chòi view khiến vườn lê bị mất tự nhiên, giảm đẹp. Muốn làm du lịch cộng đồng, chính quyền và người dân phải đồng sức, đồng lòng góp sức xây dựng du lịch địa phương, với phương châm “bảo tồn và phát huy”, tránh tư tưởng cục bộ, một mình đi một hướng, như vậy dần dà dẫn đến phá vỡ quy hoạch tổng thể.
Theo các chuyên gia du lịch, để Hồng Thái luôn luôn có sức hút với du khách chính người dân phải biết bảo tồn cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, môi trường sống trong lành, bản sắc văn hóa truyền thống vốn có của mình. Như vậy du lịch Hồng Thái mới phát triển bền vững, bốn mùa khoe sắc.
Theo Báo Tuyên Quang