Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang có đại diện lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh, một số sở, ngành, cơ quan, đơn vị của tỉnh.
Hội nghị nhằm tổng kết, đánh giá các kết quả đã đạt được, những thuận lợi, khó khăn, hạn chế trong quá trình hợp tác giữa Việt Nam và các nước Trung Đông - châu Phi trong giai đoạn 2016-2025, từ đó đề xuất các ưu tiên hợp tác và các biện pháp mới nhằm đẩy mạnh quan hệ hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam với khu vực.
Đồng chí Phạm Đức Trung, Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh chủ trì hội nghị tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Tại hội nghị, các đại biểu nhấn mạnh khu vực Trung Đông - châu Phi là thị trường có nhiều tiềm năng về kinh tế, tài chính, thương mại, trong đó tiềm năng và dư địa hợp tác giữa Việt Nam và khu vực còn rất lớn. Bên cạnh đó, Việt Nam có quan hệ hữu nghị và ngoại giao tốt đẹp với tất cả các nước trong khu vực, đồng thời được các nước đánh giá là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Do đó, Đề án “Phát triển quan hệ giữa Việt Nam và các nước khu vực Trung Đông - châu Phi giai đoạn 2016 - 2025” đã đề ra rất nhiều mục tiêu lớn, bao trùm trên các lĩnh vực như: chính trị, ngoại giao, quốc phòng - an ninh, kinh tế và văn hoá. Những năm qua, với sự nỗ lực của các bộ, ngành, đặc biệt là các doanh nghiệp địa phương, hợp tác giữa Việt Nam với Trung Đông - châu Phi đã đạt những kết quả đáng khích lệ trên tất cả các lĩnh vực, tuy vẫn còn cả chặng đường dài phía trước.
Các đại biểu cho rằng cần có sự gắn kết giữa các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài với các bộ, ban, ngành, doanh nghiệp và các địa phương cũng như người dân để định hướng, tư vấn lĩnh vực hợp tác hiệu quả đối với từng địa bàn, quốc gia cụ thể, tránh dàn trải. Sự năng động, chủ động tìm hiểu thông tin thị trường của chính quyền, cơ quan, ban ngành và chính các doanh nghiệp địa phương cũng là hướng đi hiệu quả cần phát huy để thúc đẩy hợp tác về lĩnh vực kinh tế mới, mang tính đột phá, phù hợp với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của nước ta trong giai đoạn tới...
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Hằng nhấn mạnh trong thời gian tới, với tinh thần ngoại giao phục vụ kinh tế và phát triển, Bộ Ngoại giao sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ban, ngành trong hỗ trợ và đồng hành cùng địa phương và doanh nghiệp nhằm đổi mới, sáng tạo để nâng cao hiệu quả hợp tác thực chất và toàn diện trong quan hệ Việt Nam với các nước khu vực Trung Đông - châu Phi.
Việc khai mở các lĩnh vực, thị trường mới như các sản phẩm và dịch vụ theo tiêu chuẩn Hồi giáo Halal còn hạn chế. Trong thời gian tới cần thúc đẩy hoạt động tại các thị trường Halal, hiện nhiều nước Trung Đông - châu Phi đã chuyển đổi mô hình hợp tác sang kinh tế xanh, kinh tế số, công nghệ 4.0... Vì vậy hợp tác giữa Việt Nam với các nước ở khu vực cũng cần bắt kịp xu hướng này.
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh