Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Gia Long cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành dự họp tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ sự chia sẻ sâu sắc tới gia đình các nạn nhân bị thiệt hại trong vụ lật tàu trên Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh vào chiều ngày 19/7/2025. Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, Phó Thủ tướng yêu cầu các cơ quan chuyên môn đánh giá chính xác quy mô, cường độ, phạm vi ảnh hưởng của bão; huy động đầy đủ lực lượng Trung ương và địa phương; bố trí kế hoạch di dân, bảo đảm an toàn cơ sở hạ tầng, thống nhất hành động để phòng, tránh bão hiệu quả. Phó Thủ tướng lưu ý các địa phương sau khi kiện toàn tổ chức bộ máy chính quyền 2 cấp cần rà soát và đánh giá thực chất mức độ sẵn sàng ứng phó thiên tai, đặc biệt là trước cơn bão số 3 nhằm bảo đảm bộ máy sau sáp nhập hoạt động hiệu quả, đồng bộ trên mọi lĩnh vực, trong đó có công tác phòng, chống lụt bão.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, sáng sớm ngày 18/7, áp thấp nhiệt đới trên vùng biển phía Đông Philippines đã mạnh lên thành bão, có tên quốc tế là bão Wipha. Đến sáng ngày 19/7, bão Wipha đã đi vào vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông.
Vào hồi 07 giờ ngày 20/7, vị trí tâm bão số 3 - bão Wipha ở vào khoảng 21,7 độ Vĩ Bắc; 114,8 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông, cách Quảng Ninh - Hải Phòng khoảng 705km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 3 mạnh cấp 11 (103-117km/giờ), giật cấp 14; di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc với tốc độ khoảng 20-25km/h.
Hồi 9.00' ngày 20/7, vị trí tâm bão số 3 ở vào khoảng 21.7 độ Vĩ Bắc; 114.4 độ Kinh Đông, cách Móng Cái (Quảng Ninh) khoảng 665 km. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão số 3 mạnh cấp 11 (103-117km/h), giật cấp 14. Dự báo, trong 3 giờ tới, bão số 3 di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 25km/h.
Đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Dự báo từ đêm ngày 20/7, vùng biển Bắc vịnh Bắc Bộ (bao gồm các đặc khu Bạch Long Vĩ, Cô Tô, Cát Hải) có gió mạnh dần lên cấp 6-7, sau tăng lên cấp 8-9, vùng gần tâm bão đi qua cấp 10-11, giật cấp 14; sóng biển cao 2,0-4,0m, vùng gần tâm 3,0-5,0m. Biển động dữ dội.
Từ ngày 21/7, vùng biển Nam vịnh Bắc Bộ có gió mạnh dần lên cấp 6-7, vùng gần tâm bão cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m. Biển động rất mạnh. Tàu/thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn. Ngày 22/7, thủy triều thấp nhất ở mức 0,8m từ 01h00-03h00, cao nhất ở mức 3,5m từ 13h00-15h00. Nguy cơ cao gây ngập, úng tại những khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông vào trưa và chiều ngày 22/7.
Dự báo từ ngày 21/7 đến ngày 23/7, khu vực Đông Bắc, đồng bằng Bắc Bộ, Thanh Hóa và Nghệ An có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến 200-350mm, cục bộ có nơi trên 600mm; các nơi khác ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa từ 100-200mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Theo báo cáo của Ban Chỉ huy PTDS, PCTT&TKCN Bộ đội Biên phòng, tính đến 6h30 ngày 20/7/2025, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 54.300 phương tiện/227.194 người biết diễn biến, hướng đi của bão để chủ động phòng tránh.
Đại biểu dự họp tại điểm cầu tỉnh Tuyên Quang.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó với bão số 3; Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành 02 công điện chỉ đạo sớm từ ngày 17/7 khi áp thấp nhiệt đới gần biển Đông và khi bão bắt đầu vào biển Đông ngày 19/7; chiều ngày 18/7/2025, Bộ đã tổ chức cuộc họp với một số Bộ, ngành liên quan và giao các đơn vị trực thuộc Bộ cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ để triển khai ứng phó với bão và mưa lũ thực tế tại địa phương trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp; phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa tin về diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó; tổ chức gửi tin nhắn Zalo cảnh báo về bão và mưa lớn diện rộng đến 35 triệu người dân khu vực bị ảnh hưởng. Các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đăk Lắk đã chủ động triển khai ứng phó với bão và mưa lũ theo Công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Tại tỉnh Tuyên Quang, trước đợt mưa bão, UBND tỉnh đã tiến hành rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét trên địa bàn tỉnh; ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành và các địa phương chủ động các biện pháp phòng, chống, ứng phó. Trong đó yêu cầu UBND các xã, phường thực hiện ngay công tác kiện toàn Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn. Đến thời điểm hiện tại, cơ bản các xã, phường đã thành lập, kiện toàn xong. Ngoài ra, UBND tỉnh cũng đã giao cơ quan chuyên môn xây dựng Kế hoạch, Phương án ứng phó thiên tai năm 2025 trên địa bàn tỉnh, đảm bảo phù hợp với chính quyền địa phương 2 cấp.
Đối với các xã, phường thường xuyên xảy ra mưa lớn, có nguy cơ sạt trượt cao, UBND tỉnh yêu cầu rà soát kỹ các khu dân cư có nguy cơ cao ảnh hưởng đến tính mạng và tài sản người dân cần kiên quyết di dời ra vùng đảm bảo an toàn; đảm bảo thông tin liên lạc, giao thông thông suốt, tổ chức hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng sẵn sàng tham gia cứu hộ cứu nạn với phương châm Bốn tại chỗ. Đồng thời phân công rõ ràng trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện nhiệm vụ để ứng phó kịp thời với các tình huống khẩn cấp khi có thiên tai xảy ra; rà soát lại lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai, chuẩn bị đầy đủ vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết cho hoạt động phòng, chống thiên tai; tổ chức hiệp đồng với các đơn vị quân đội (sau kiện toàn), tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn để huy động sử dụng khi có thiên tai xảy ra. Theo báo cáo của tỉnh, tổng số khu vực trên địa bàn có nguy cơ cao sạt lở đất đá là 405 điểm, lũ ống lũ quét 275 điểm, ngập úng 328 điểm.
Nguyễn Đoan