Triển khai đồng bộ các chương trình, nghị quyết từ tỉnh đến cơ sở
Ngay từ đầu giai đoạn, thực hiện chỉ đạo của Trung ương, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Tuyên Quang đã ban hành Kế hoạch số 127-KH/TU ngày 04/11/2021 thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Ban Bí thư về công tác giảm nghèo bền vững đến năm 2030. Hội đồng nhân dân tỉnh cũng đã ban hành 14 nghị quyết và UBND tỉnh ban hành tới 37 quyết định cùng 14 kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể. Hệ thống văn bản chỉ đạo, hướng dẫn được kịp thời cụ thể hóa, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở, giúp công tác giảm nghèo có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả thực chất.
Điểm nổi bật trong giai đoạn này là phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” được triển khai sâu rộng, gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và nhiều phong trào thi đua khác như “Tuyên Quang chung sức xây dựng nông thôn mới”, “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát”... Nhờ đó, tạo động lực mạnh mẽ, huy động sức dân, cộng đồng doanh nghiệp và các tổ chức chính trị - xã hội cùng tham gia.
Đồng chí Phùng Tiến Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Nội chính Tỉnh ủy khởi công xây nhà cho hộ gia đình anh Bàn Văn Hoàn, thôn Khuôn Pồng, xã Trung Hà (Chiêm Hóa).
Nhờ sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, từ năm 2021 đến nay, công tác giảm nghèo của Tuyên Quang đã đạt được nhiều dấu ấn nổi bật. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh và bền vững, từ mức 23,45% xuống còn 10,19%, bình quân giảm 4,42%/năm - vượt xa mục tiêu đề ra là 3%/năm. Đặc biệt, tỷ lệ hộ nghèo là người dân tộc thiểu số giảm mạnh từ 37,31% xuống còn 16,04%, với mức giảm bình quân 7,09%/năm, gấp đôi kế hoạch. Tính đến hết năm 2023, toàn tỉnh không còn hộ nghèo có thành viên là người có công với cách mạng đang hưởng trợ cấp hàng tháng.
Cùng với các giải pháp giảm nghèo về thu nhập, tỉnh cũng triển khai nhiều chính sách an sinh xã hội thiết thực. Giai đoạn 2021-2024, đã miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập cho trên 138.955 lượt học sinh nghèo, cận nghèo và học sinh vùng khó khăn. Công tác phổ cập giáo dục đạt chuẩn ở tất cả các cấp học tiếp tục được duy trì.
Trong lĩnh vực y tế, tỉnh cũng đạt nhiều kết quả nổi bật, với tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo được hỗ trợ tham gia bảo hiểm y tế đạt 100%. Đặc biệt, ngoài mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành nghị quyết hỗ trợ thêm 30% mức đóng bảo hiểm y tế cho hộ cận nghèo, thể hiện sự chăm lo cụ thể, ý nghĩa thiết thực cho người dân.
Huy động sức dân trong các phong trào thi đua
Hưởng ứng phong trào “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025” do Thủ tướng Chính phủ phát động, từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa nhà cho gần 7.067 hộ nghèo với tổng kinh phí trên 911 tỷ đồng. Riêng tại lễ phát động năm 2024, toàn tỉnh đã huy động được trên 25,5 tỷ đồng, trong đó Quỹ “Vì người nghèo” đóng góp 23,7 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Hiền, một hộ nghèo được hỗ trợ xây nhà mới ở xã Bình Xa, huyện Hàm Yên xúc động chia sẻ: "Nếu không có sự giúp đỡ của chính quyền và bà con làng xóm, tôi cũng chẳng biết đến bao giờ mới có được mái nhà lành lặn như thế này. Từ nay, mưa gió không còn phải lo, gia đình tôi có động lực làm ăn hơn."
Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, cận nghèo
Không chỉ vậy, từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh còn triển khai hơn 170 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cho trên 5.000 hộ dân, với các mô hình chăn nuôi dê, trồng chè, nuôi cá đặc sản và sản xuất nông sản hàng hóa. Cùng với đó, tổ chức 157 lớp đào tạo nghề cho gần 4.000 lao động, 59 phiên giao dịch việc làm với gần 40.000 lượt người tham gia tư vấn, giới thiệu việc làm.
Anh Lã Hoàng Anh, phường An Tường, TP Tuyên Quang chủ mô hình nuôi gà đẻ trứng, cho biết: "Từ hỗ trợ ban đầu của chương trình giảm nghèo, tôi mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô. Đến nay, trại gà của tôi có gần 3.000 con, thu nhập mỗi năm khoảng 350 triệu đồng. Không chỉ lo được cho gia đình, tôi còn tạo việc làm cho 3-4 lao động địa phương."
Động lực từ các mô hình tiêu biểu
Một trong những điểm nhấn của phong trào thi đua là sự xuất hiện của hàng trăm mô hình tiêu biểu. Tiêu biểu như hộ bà Nguyễn Thị Huệ, xã Tràng Đà, TP Tuyên Quang với mô hình kinh tế tổng hợp từ trồng ngô, lúa chất lượng cao, nuôi ong, nuôi ốc nhồi, mang lại thu nhập ổn định từ 350-400 triệu đồng/năm. Tại các huyện vùng cao như Lâm Bình, mô hình chăn nuôi dê, cá lồng trên hồ cũng đang phát huy hiệu quả rõ nét.
Công tác khen thưởng, biểu dương các tập thể, cá nhân, hộ gia đình có thành tích xuất sắc được thực hiện kịp thời, đúng quy định, trở thành nguồn động viên, khích lệ lớn. Từ năm 2021 đến 2024, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên đã hỗ trợ trên 16.606 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ khó khăn với số tiền trên 97,5 tỷ đồng.
Có thể khẳng định, phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau” giai đoạn 2021-2025 tại Tuyên Quang đã ghi dấu ấn bằng những con số đầy sức thuyết phục, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch. Thành công của phong trào không chỉ được thể hiện ở kết quả giảm nghèo mà còn lan tỏa tinh thần đoàn kết cộng đồng, truyền đi thông điệp nhân văn sâu sắc, khẳng định sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị.
Với những kinh nghiệm quý báu, mô hình hiệu quả và cách làm sáng tạo, Tuyên Quang sẽ tiếp tục nhân rộng và phát huy, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và xây dựng tỉnh giàu đẹp, văn minh.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh