Tuyên Quang là tỉnh miền núi có địa hình phức tạp, nhiều đèo dốc quanh co liên tục, mặt đường hẹp, còn tồn tại một số vị trí điểm tiềm ẩn tai nạn giao thông, đồng thời nhu cầu giao thương hàng hóa, đi lại của Nhân dân ngày càng tăng cao, phát sinh nhiều điểm nóng về an toàn giao thông trên các tuyến QL.2, QL.37, QL.2C, QL.279 và QL.3B.
Từ đầu năm 2023 đến nay, được sự quan tâm của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã giao Sở Giao thông vận tải làm chủ đầu tư 04 dự án, công trình; giao Khu QLĐB I - Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư 02 công trình xử lý điểm đen TNGT. Sau khi thi công hoàn thành, các công trình xử lý điểm đen tai nạn giao thông đã phát huy hiệu quả, giúp cải thiện và tăng cường ATGT, tạo tâm lý an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông qua đoạn tuyến, góp phần giảm thiểu TNGT, tạo động lực thúc đẩy giao thương hàng hóa giữa các vùng và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát hoạt động kinh doanh vận tải hành khách trên địa bàn.
Nhằm phòng ngừa, kiềm chế TNGT xảy ra, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT đường bộ; ban hành và thường xuyên thực hiện các kế hoạch, mở các đợt cao điểm bảo đảm TTATGT, tập trung vào các dịp nghỉ lễ, các sự kiện chính trị quan trọng tổ chức trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, chỉ đạo lực lượng cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng được huy động tham gia bảo đảm TTATGT bố trí lực lượng tuần tra 24/24 giờ, khép kín địa bàn; tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý đối tượng thường gây ra TNGT, giao chỉ tiêu phát hiện, xử lý các lỗi là nguyên nhân trực tiếp gây TNGT như: Vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, chở hàng quá tải trọng… Trong 01 năm qua, toàn tỉnh phát hiện trên 20.000 trường hợp vi phạm ATGT; tạm giữ 6.379 phương tiện, 13.861 bộ giấy tờ; tước giấy phép lái xe 3.556 trường hợp, phạt tiền trên 32 tỷ đồng.
Bên cạnh việc tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATG, công tác quản lý các hoạt động kinh doanh vận tải hành khách, vận tải hàng hóa cũng được siết chặt. Phòng Cảnh sát giao thông, Công an huyện, thành phố đã tổ chức cho 100% các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn tỉnh ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật về TTATGT; Thanh tra Sở Giao thông vận tải đã tổ chức kiểm tra, ký cam kết với 19 mỏ vật liệu, đầu mối bốc xếp hàng hoá trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang về việc thực hiện nghiêm pháp luật về giao thông đường bộ; các quy định về tải trọng phương tiện khi tham gia giao thông, xếp hàng hoá trên xe ô tô, các quy định về bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ.
Đặc biệt, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật về TTATGT được tỉnh quan tâm, chỉ đạo các cấp, các ngành, cơ quan, đơn vị thực hiện tốt, xác định đây là một trong các giải pháp thường xuyên, lâu dài để giảm thiểu tai nạn giao thông. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT được đổi mới theo hướng dễ hiểu, dễ tiếp thu, phù hợp với từng vùng, khu vực, địa bàn, lứa tuổi, tôn giáo, nhất là thanh, thiếu niên, học sinh, sinh viên... nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành và Nhân dân trong công tác bảo đảm TTATGT; nâng cao ý thức để mỗi người dân tự bảo vệ mình và trách nhiệm bảo vệ người khác khi tham gia giao thông. Các mô hình hiệu quả, cách làm hay trong công tác bảo đảm TTATGT được xây dựng, nhân rộng, duy trì hoạt động.
Người dân thị trấn Lăng Can (Lâm Bình) nghe tuyên truyền về hành lang an toàn đường bộ
Để kéo dài thời gian sử dụng của công trình giao thông, đảm bảo mặt đường êm thuận, các phương tiện giao thông đi lại an toàn, thông suốt, Sở Giao thông vận tải đã chú trọng công tác kiểm tra, bảo trì đường bộ và tăng cường xử lý vi phạm hành lang an toàn đường bộ. Phần lớn các trường hợp sử dụng trái phép lòng đường, lề đường, hè phố, hành lang an toàn đường bộ... khi được tuyên truyền, vận động đã tự giác tháo dỡ công trình vi phạm, tình trạng xây dựng nhà kiên cố đã được ngăn chặn. Các công trình thi công trên đường đang khai thác thường xuyên được kiểm tra, xử lý vi phạm, không để xảy ra ùn tắc, gây mất an toàn giao thông.
Theo báo cáo, đã phát hiện 80 trường hợp xây, dựng lều quán, công trình tạm vi phạm hành lang an toàn đường bộ, trong đó, vận động tháo dỡ và tổ chức giải tỏa 39 trường hợp, 06 trường hợp Thanh tra Sở Giao thông vận tải xử phạt, chuyển hồ sơ 35 trường hợp; nhắc nhở, giải tỏa 1.621 trường hợp lấn chiếm trái phép lòng đường, vỉa hè; vận động trên 500 hộ gia đình chặt cây, phát quang, giải phóng tầm nhìn, không bán hàng trên lòng đường, vỉa hè.
Trong thời gian tới, với phương châm xử lý “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”, quyết tâm thực hiện đạt hiệu quả cao nội dung Chỉ thị số 10 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong tình hình mới, nhằm góp phần kiềm chế và không để các vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn tỉnh; Tuyên Quang sẽ tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, phân định rõ trách nhiệm trong quản lý nhà nước về giao thông; tập trung rà soát, đề xuất hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Tăng cường tuần tra kiểm soát, phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm TTATGT, tập trung vào các giờ cao điểm, trên các tuyến, địa bàn có nhiều phức tạp về TTGT và thường xảy ra tai nạn. Xây dựng và triển khai phương án phòng ngừa ùn tắc giao thông tại các tuyến trọng điểm; phương án dẫn đoàn Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; bảo vệ tuyệt đối an toàn các sự kiện chính trị, lễ hội trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, thực hiện đồng bộ quy hoạch hạ tầng giao thông gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, lĩnh vực, địa phương...; nâng cao chất lượng, đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng giao thông, các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông trọng điểm. Quyết tâm đẩy lùi tai nạn giao thông, kiềm chế, giảm trên cả 3 tiêu chí./.
Ban Biên tập Cổng TTĐT tỉnh