Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Mục đích của Kế hoạch nhằm triển khai đầy đủ, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ và giải pháp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm và nâng cao khả năng cạnh tranh nông lâm thủy sản của tỉnh Tuyên Quang tại thị trường trong nước và quốc tế. Đồng thời, đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, kịp thời giữa các sở, ban, ngành, địa phương và các cơ quan có liên quan trong công tác tham mưu, đề xuất và tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đề ra tại các chương trình, kế hoạch, đề án về chất lượng, an toàn thực phẩm, chế biến và phát triển thị trường.
Kế hoạch chỉ ra các chỉ số cần đạt như: Về hoàn thiện thể chế, nâng cao năng lực :100% các văn bản quy phạm pháp luật, các đề án, chương trình công tác được hoàn thành theo Kế hoạch được giao; 100% các huyện, thành phố rà soát, kiện toàn đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản. Về an toàn thực phẩm: Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản được chứng nhận đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở do cấp tỉnh quản lý đạt 100%; đối với cơ sở do cấp huyện quản lý đạt 86%. Tỷ lệ cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản nhỏ lẻ được ký cam kết tuân thủ quy định về an toàn thực phẩm đạt 75%. Tỷ lệ mẫu thực phẩm nông lâm thủy sản được giám sát vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm duy trì ở mức bằng, hoặc thấp hơn năm 2023. Tỷ lệ cơ sở sơ chế, chế biến thực phẩm nông lâm thủy sản được chứng nhận HACCP, ISO 22000 hoặc tương đương tăng 10%. Diện tích trồng trọt, diện tích nuôi thủy sản, số cơ sở chăn nuôi được chứng nhận Thực hành nông nghiệp tốt – GAP (như VietGAP, GAHP, hữu cơ và tương đương) tăng 10%. Số lượng chuỗi cung ứng nông sản thực phẩm an toàn tăng 10 %.
Về chất lượng, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, nông nghiệp hữu cơ: Số lượng sản phẩm OCOP lũy kế được chứng nhận đạt từ 3 sao trở lên năm 2024 đạt từ 248 sản phẩm trở lên. Diện tích đất trồng trọt hữu cơ đạt 0,55 % trên tổng diện tích đất nông nghiệp cây trồng chính. Số lượng sản phẩm nông lâm thủy sản được bảo hộ dưới hình thức chỉ dẫn địa lý, số lượng sản phẩm nông lâm thủy sản chủ lực, sản phẩm gắn với nguồn gốc địa lý được bảo hộ tăng 10% trở lên. Về chế biến và phát triển thị trường: Số sản phẩm, số doanh nghiệp được phép xuất khẩu nông lâm thủy sản đi các thị trường có yêu cầu cấp phép tăng 10%.
Để đạt được các chỉ số nêu trên, Kế hoạch đề ra các giải pháp trọng tâm gồm: Tham mưu đề xuất các chính sách về đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm và thúc đẩy chế biến, phát triển thị trường; thực hiện có hiệu quả các chính sách pháp luật đã được ban hành; Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường; Phổ biến chính sách pháp luật, thông tin truyền thông về chất lượng, an toàn thực phẩm nông lâm thủy sản, gia tăng chế biến và phát triển thị trường; Triển khai công tác đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường đáp ứng yêu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; Chủ động thanh tra, kiểm tra, giám sát, phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm cơ sở, sản phẩm vi phạm về chất lượng, an toàn thực phẩm; Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đảm bảo chất lượng, an toàn thực phẩm, gia tăng chế biến và phát triển thị trường..
Biên tập viên Cổng TTĐT tỉnh